Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng thương hiệu trái cây xuất khẩu

(VOV5) - Cây ăn trái là mô hình sản xuất có thế mạnh ở  vùng đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết rất thuận lợi. Song để việc sản xuất và xuất khẩu trái cây đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc nâng cao chất lượng trái cây thương phẩm gắn với xây dựng thương hiệu đã và đang được ngành nông nghiệp và và bà con nông dân ở đây quan tâm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Đồng bằng sông Cửu Long được coi là “Vương quốc” trái cây của cả nước với hơn 295.000 ha, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản địa phương nổi tiếng. Tuy nhiên thời gian qua, chất lượng và giá cả đầu ra của nhiều loại trái cây vẫn bấp bênh, giá trị xuất khẩu chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, việc  xây dựng thương hiệu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu đang được ngành nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long xác định là hướng đi tất yếu.

So với các địa phương trong khu vực, Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần 60.000 ha gồm nhiều loại trái cây đặc sản  gắn với các địa danh như: Xoài cát Hòa Lộc Cái Bè, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu Riêng Ngũ Hiệp, Thanh Long Chợ Gạo, Sơ ri Gò Công, Bưởi long Cổ Cò, chôm chôm Tân Phong, măng cụt cù lao Tân Quy…Với những lợi thế và tiềm năng như vậy, nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, nhất là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, khâu phân phối và tiêu dùng…Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã chủ trương xây dựng các mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGap (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt nam) và Global Gap ( Tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế). Ông Võ Ngọc Diệp nhà vườn trồng cây thanh long tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo là nông dân đi đầu áp dụng quy trình sản xuất sạch bệnh, an toàn sinh học. Nhờ vậy mà đầu ra của trái thanh long của ông đều thu hút được doanh nghiệp đến thu mua xuất khẩu với giá cao hơn các mô hình khác từ 5-10%. Ông Diệp cho biết:  “ Trái cây làm theo tiêu chuẩn VietGap cho thấy thấy lợi ích rất cao. Để trái cây đi xa, phải sản xuất theo hướng an toàn. Trong 7 trái cây chủ lực của Tiền Giang thì tôi thấy chỉ có trái thanh long là hiệu quả. Vấn đề thực hiện thì tôi thấy không có gì khó, mình làm ghi chép sổ sách làm cho nó bài bản.

 

 Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng thương hiệu trái cây xuất khẩu - ảnh 1
Thu hoạch sản phẩm cây ăn trái ở Tiền Giang.Ảnh:nhandan.com.vn

Ở tỉnh Bến Tre, ngoài trái bưởi da xanh thì các loại trái cây như: chôm chôm, nhãn và mít cũng đã bắt đầu xâm nhập thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật và Hàn quốc. Do đòi hỏi phải sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP nên số lượng trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở đây chưa nhiều, nhưng ngành nông nghiệp và nông dân địa phương vẫn xác định đây là hướng phát triển bền vững, lâu dài. Ông Nguyễn Hữu Tâm, chủ nhà vườn ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tôi thấy để mình đứng vững trên thị trường khó tính thì điều trước tiên mình phải làm theo tiêu chuẩn VietGap theo hướng dẫn của các tổ chức, ngành nông nghiệp Việt Nam. Trái cây hiện nay đi nước ngoài tiêu chí đầu tiên bà con phải sản xuất làm sao trái cây an toàn cho người tiêu dùng bên đó, bảo vệ môi trường, truy nguyên rõ nguồn gốc và an toàn cho người sản xuất.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với trái cây, nhiều địa phương tiến hành công tác quy hoạch vùng trồng cây chuyên canh phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Trong đó, đặc biệt chú trọng khâu xây dựng thương hiệu trái cây đặc sản gắn với địa danh địa phương. Ông Trần Quấn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sắp tới đây, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khảo sát các loại trái khác có thế mạnh của tỉnh để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Còn trái cây đã có thương hiệu chúng tôi đang chỉ đạo bộ phận xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường để tiêu thụ cho bà con nông dân. Chợ đầu mối chúng tôi đã đưa được trái cây vào rồi, còn siêu thị một số trái cây đã có mặt, còn xuất khẩu chúng tôi đang xây dựng các doanh nghiệp đầu mối làm sao đủ lượng hàng đáp ứng yêu cầu”.

 Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn nhiều vùng miền đặc sản trái cây có khả năng đem lại giá trị xuất khẩu cao. Việc khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà vườn sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP nhằm tăng cường xuất khẩu đang khẳng định là hướng đi tất yếu. Những mô hình thành công bước đầu này cũng đã và đang tạo sức lan toả để xuất khẩu trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và xuất khẩu trái cây Việt Nam nói chung “cất cánh” bay xa./.

Phản hồi

Các tin/bài khác