(VOV5) - Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp thêm các nền tảng giúp khách du lịch có thể kết nối trực tuyến.
Ngày Du lịch trực tuyến thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, doanh nghiệp làm du lịch tham dự - Ảnh: sggp.org.vn
|
Du lịch trực tuyến đã đóng góp khoảng 5,8% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), song theo đánh giá của Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam, thị trường du lịch trực tuyến vẫn đang còn nhiều tiềm năng, không nên “bỏ ngỏ”. Du lịch trực tuyến ở Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD, tăng trưởng 15% so với năm 2017, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Phát biểu tại Hội thảo Ngày du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề “Xu hướng tất yếu của Du lịch trực tuyến” diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: "Chúng ta phải tiếp tục đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số, bởi vì hiện nay còn rất nhiều điểm du lịch vẫn chưa cập nhật được thông tin qua kỹ thuật số này. Thứ hai là khắc phục kỹ năng triển khai nền tảng kỹ thuật số và quản lý dữ liệu trên Internet. Các doanh nghiệp phải bắt buộc làm việc này, thì chúng ta mới có thể tiếp cận du lịch trực tuyến được. Thứ ba là đầu tư cho đổi mới các dữ liệu, dữ liệu chúng ta đưa lên phải luôn luôn được cập nhật, đổi mới và phải thêm những phần dữ liệu khác để cho nó phong phú. Cuối cùng là phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh, để chúng ta có thể phục vụ được nhu cầu của khách du lịch".
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng muốn đạt được con số 9 tỷ USD quy mô du lịch trực tuyến vào năm 2025, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp thêm các nền tảng giúp khách du lịch có thể kết nối trực tuyến.