(VOV5) - Qua nhiều kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tựu nổi bật, từng bước khẳng định vị thế, củng cố thương hiệu Festival Huế mang tầm quốc gia và có tính quốc tế.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Qua 24 năm tổ chức, Festival Huế, với giá trị thương hiệu của mình, đã thực sự là lễ hội văn hóa nghệ thuật có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện Cố đô Huế Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Lễ Khai mạc Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 diễn ra tại sân khấu chính Điện Kiến Trung, Đại Nội Huế. Ảnh: VOV |
Qua từng thời kỳ, Festival Huế ngày càng hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế tới tham dự.
Qua nhiều kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tựu nổi bật, từng bước khẳng định vị thế, củng cố thương hiệu Festival Huế mang tầm quốc gia và có tính quốc tế, góp phần tạo động lực kích cầu du lịch, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các kỳ Festival Huế thường diễn ra vào mùa cao điểm của du lịch hè là cơ hội tốt để Huế thu hút khách, nâng cao thương hiệu và phát triển du lịch địa phương, qua đó, đóng góp đáng kể vào kết quả chung của ngành du lịch toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: "Với các con số thống kê, đặc biệt là sự gia tăng của khách du lịch đến Huế, có thể thấy hiệu ứng của các kỳ Festival cũng góp phần tạo ra thương hiệu cho điểm đến. Đến nay, Festival còn là cầu nối về đầu tư. Thông qua các sản phẩm du lịch, du khách trong nước và quốc tế đến, địa phương cũng thiết lập các tuyến giao thông với các địa phương lân cận; cùng với đó, dùng các sản phẩm du lịch, dùng vùng đất của mình để kêu gọi nhà đầu tư, bắt đầu từ những nhóm du khách. Ý nghĩa kinh tế cụ thể hơn nữa đó là khi phát triển du lịch theo dạng thức này, người dân được hưởng lợi. Các hoạt động cộng đồng, các dịch vụ sẽ mang lại công ăn việc làm cho người dân. Đây là kết quả về kinh tế mà chúng tôi thấy rất rõ."
Tại Huế, điểm nổi bật là 85% sản phẩm du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Điều này cho thấy di sản văn hóa Huế, các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Huế, trong đó có Festival Huế, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Du khách không chỉ đến Cố đô Huế nhiều hơn mà còn thích thú, biết đến sự phong phú của các sản phẩm du lịch địa phương thông qua các hoạt động của Festival Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng: "Chúng tôi luôn nỗ lực trong công tác trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang để tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các điểm đến văn hóa tại Huế để tạo sức hút du lịch. Hiện nay, lượng du khách đến với Huế cũng như những hiệu ứng từ Festival Huế đã kéo du khách đến Huế về gần thời điểm trước dịch COVID-19, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhiều loại hình du lịch mới gắn với Festival đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội địa phương."
Thực tế các kỳ Festival cho thấy những năm qua, Festival Huế đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; đóng góp vào việc thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng: "Festival Huế là sự kiện rất quan trọng để tạo ra những động lực mới, thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa di sản, đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của Thừa Thiên – Huế cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung. Festival Huế là cơ hội rất có ý nghĩa đối với Huế để tiếp tục thúc đẩy Huế xứng tầm là 1 trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam. Sự kiện này cũng rất phù hợp để triển khai những định hướng ưu tiên phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế thời gian tới."
Đối với Festival Huế 2024, thuận lợi năm nay đó là Huế, với vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình - Quảng Trị, đã tập trung kết nối thông tin xúc tiến quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn; phối hợp các đơn vị lân cận chuyển tải thông tin về Festival Huế 2024 đến các đơn vị lữ hành toàn quốc.
Cùng với đó, thời điểm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 (ngày 07/06) gần với thời điểm khai mạc lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (ngày 08/06), do đó, giữa các địa phương, các doanh nghiệp đã có những sự liên kết để tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách ở các địa phương, nhất là khi du khách luôn mong muốn một chuyến đi có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị ở nhiều điểm đến.
Không chỉ là vùng đất mang đậm nét văn hóa đặc sắc của phương Đông, Thừa Thiên - Huế còn là một vùng đất có nhiều nguồn lực và tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đô thị Huế đang từng bước khẳng định là Thành phố du lịch, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.