(VOV5) - Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2016, cả nước chỉ có 47% doanh nghiệp (DN) hoạt động có lợi nhuận, còn lại 53% DN không có lợi nhuận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề liệu có phải do DN có vốn mỏng, chủ yếu dựa vào ngân hàng nên chi phí vốn cao, giảm lợi nhuận.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Sáng 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn - tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp" do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Trước hàng trăm DN, các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là một trong những chủ đề về phát triển các loại thị trường được Chính phủ rất quan tâm, cùng với các thị trường khác như bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, hàng hoá - dịch vụ. Việc phát triển 5 loại thị trường này, trong đó có thị trường vốn - tài chính là một trong những giải pháp của Chính phủ trong phát triển DN Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia tài chính đánh giá kỹ các chủ thể tham gia thị trường này, nhất là thực trạng “sức khỏe” các chủ thể tham gia, đặc biệt là các chủ thể kinh tế trong nước.
Cụ thể, theo Phó Thủ tướng: “Tình trạng quan tâm hiện nay là DN có vốn mỏng. Tổng cục Thống kê công bố số liệu vào cuối năm 2016 thì chỉ có 47% DN hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận (mặc dù tỷ lệ này cao hơn mức 30% của giai đoạn 5 năm trước đó) và 53% số DN không có lợi nhuận. Phải chăng là do vốn mỏng làm lợi nhuận kém? Nhiều DN tham gia đầu tư dự án mà vốn chủ sở hữu thấp, chi phí tài chính rất cao cùng với các chi phí tiếp cận, logistics… Kể cả các ngân hàng thương mại cung ứng vốn”.
Ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam thiếu vốn dài hạn. Phát triển vốn dài hạn là một trong những giải pháp để các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn.
“Khi nói đến vốn dài hạn là nói tới các khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm. Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được các khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân, một công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các DN. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu, trong đó có trái phiếu DN cũng đóng vai trò quan trọng. Ngay từ bây giờ Việt Nam cần đẩy nhanh xây dựng Quỹ này", ông MacCana nói.
Trong khi đó, ông A. Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của World Bank cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các giải pháp đột phá về công nghệ sẽ khắc phục được tình trạng vốn mỏng, mở rộng các nguồn vốn trong dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia này cho rằng “phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các chuyên gia kinh tế và nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đa dạng nguồn vốn là gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn - tài chính và thị trường tiền tệ.
|
Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Theo Phó Thủ tướng, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn Chính phủ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, việc này phải do thị trường điều chỉnh. Nếu công trình, dự án đặc biệt cấp quốc gia thì Chính phủ cũng chỉ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ tối đa 30%. Hay như việc chống “đô la hoá”, Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất tiền gửi 0% đang phát huy hiệu quả, nhưng nếu không phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đủ mạnh thì khó cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra, việc xây dựng và vận hành các công cụ phái sinh trong thị trường ngoại hối cũng giúp cho nền kinh tế “chống đỡ” được các tác động từ thị trường ngoại hối quốc tế đang có nhiều bất ổn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các đại biểu khi cho rằng tái cấu trúc thị trường tài chính gắn liền với ứng dụng các thành quả của kinh tế số, cho rằng cần ưu tiền xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của nền kinh tế số trước khi xây dựng khung khổ quản lý; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính vi mô, Fintech, cho thuê tài chính,...
Đối với nguồn huy động vốn từ “tín dụng đen”, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Về đối tượng tham gia tái cấu trúc thị trường tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều ý kiến khi đề cao vai trò của các nhà đầu tư có tổ chức, nhưng cho rằng cần phải có tính chuyên nghiệp. “Tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư là rất quan trọng và cũng không nên phân biệt giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư tư nhân. Nếu nhà đầu tư tư nhân mà chuyên nghiệp cũng giá trị hơn là nhà đầu tư có tổ chức nhưng không chuyên nghiệp, hay có động cơ thâu tóm thị trường”.
Coi chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng, có quy mô tới 70% GDP vào cuối năm 2017 (trong khi mục tiêu đặt ra là cho năm 2020), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thông điệp của Chính phủ là kiên trì, kiên quyết xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam lành mạnh, ổn định, sớm được công nhận là thị trường chứng khoán mới nổi vào năm 2020 để huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế. Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng đề án để thực hiện lộ trình này.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường trái phiếu DN, Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu DN và đưa vào giao dịch ở thị trường trái phiếu bình thường để tăng tính thanh khoản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg để thực hiện lộ trình này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần tạo dựng môi trường minh bạch, công khai trong thực thi chính sách, tăng cường giám sát nội địa, năng lực của hệ thống công cụ tư vấn như thuế, kiểm toán,…
Thành Chung/baochinhphu.vn
Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2016, cả nước chỉ có 47% doanh nghiệp (DN) hoạt động có lợi nhuận, còn lại 53% DN không có lợi nhuận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề liệu có phải do DN có vốn mỏng, chủ yếu dựa vào ngân hàng nê