GS.TS Vũ Văn Hiền: Vấn đề hôm nay - "Lợi ích nhóm"
Trân trọng giới thiệu quý thính giả loạt bài viết của GS.TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, về những vấn đề, sự kiện trong nước và quốc tế.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thanh Miện - Hải Dương, lại tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), ước mơ của ông chỉ đơn giản là đem chút kiến thức ít ỏi về phục vụ người dân nghèo quê ông, quanh năm vất vả vì củ khoai, hạt thóc.
Rồi cuộc đời có những đổi thay khi ông bước chân vào con đường binh nghiệp đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Chiến tranh qua đi, ông lại tất bật với nghiệp đèn sách….
Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, bất chợt mọi người biết đến ông không phải là kỹ sư Nông nghiệp thủa nào, mà luôn là hình ảnh một vị giáo sư, tiến sỹ kinh tế, một Nhà nghiên cứu lý luận tài ba… của đất Thành Đông. Không những vậy, ông còn là một nhà thơ đầy chất hiện thực, một nhà báo có TÂM và có TẦM. Cũng từ đây, biết bao bài viết của ông đã gây tiếng vang trong dư luận với những lập luận sắc bén về đất nước, quê hương và những vấn đề quốc tế quan trọng.
Qua nhiều năm, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IX - X; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI, khóa XII; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Tổng Giám đốc Đài TNVN; Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam… và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ở mọi vị trí, mọi hoàn cảnh, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ, nhân dân tín nhiệm giao phó.
Các nhà khoa học chúc mừng GS.TS Vũ Văn Hiền tại buổi bảo vệ
nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học "Nhận thức về Thời đại ngày nay"
Cũng chừng ấy thời gian, ông đã để lại cho đời biết bao tác phẩm ở nhiều thể loại như văn học, phê bình, lý luận, giáo trình… có giá trị; bao công trình khoa học được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Đặc biệt trong số đó phải kể đến công trình nghiên cứu về "Dân chủ cơ sở" và “Thời đại ngày nay”.
Nhân dịp này, Radiovietnam.vn trân trọng giới thiệu đến quý thính giả loạt bài viết của GS.TS Vũ Văn Hiền với những vấn đề, sự kiện trong nước và quốc tế.
Radio Việt Nam trân trọng giới thiệu:
Lợi ích nhóm mang tính tích cực là nhóm lợi ích hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội, hài hòa theo lợi ích của cả cộng đồng. Ngược lại, nếu lợi ích nhóm chỉ là của thiểu số, đi ngược với lợi ích của số đông, tác động xấu đến sự phát triển của xã hội thì đó là lợi ích nhóm tiêu cực. “Lợi ích nhóm” mà chúng ta đang nhắc tới chính là dạng thứ hai này, dạng tiêu cực.
Từ Đại hội XI của Đảng, thuật ngữ “lợi ích nhóm” đã được chính thức đưa vào văn kiện của Đảng và trở thành vấn đề mà toàn Đảng và cả xã hội hết sức quan tâm. Vấn đề lợi ích nhóm đã có từ lâu. Đó là lợi ích của một bộ phận trong cộng đồng, xuất hiện và tồn tại như một thực tế cùng với lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc…
Lợi ích nhóm mang tính tích cực là nhóm lợi ích hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội, hài hòa theo lợi ích của cả cộng đồng. Ngược lại, nếu lợi ích nhóm chỉ là của thiểu số, đi ngược với lợi ích của số đông, tác động xấu đến sự phát triển của xã hội thì đó là lợi ích nhóm tiêu cực. “Lợi ích nhóm” mà chúng ta đang nhắc tới chính là dạng thứ hai này, dạng tiêu cực.
Biểu hiện rõ nhất của “lợi ích nhóm” tiêu cực là việc dựa vào quyền lực để tạo lập cơ chế, chính sách thuận lợi nhất mang lại lợi ích cho những cá nhân trong nhóm. “Lợi ích nhóm” còn biểu hiện ở việc lợi dụng cơ chế “xin”, “cho”; kẻ “xin” và người “cho” phối hợp với nhau thành một nhóm lợi ích sẽ rất dễ bòn rút của công để chia chác, tư túi. Nguồn lợi mà nhóm người đó thu được đều là bất chính. Lợi ích nhóm len lỏi vào hầu hết các ngành nghề, từ những lĩnh vực rất “màu mỡ” như tài chính, ngân hàng, các dự án lớn, bất động sản…, cho đến cả những lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế, văn hóa, nghiên cứu khoa học…
Lợi ích nhóm có mức độ, qui mô khác nhau và thường xuất hiện ở một bộ phận trong đội ngũ có chức năng điều hành quản lý. Đó là sự cấu kết xấu xa giữa một số kẻ có quyền với những kẻ có tiền, quyền càng cao thì khả năng thao túng để thực hiện lợi ích nhóm càng lớn. Sự cấu kết đó tạo thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi, là nhân tố làm thoái hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên. Lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân, trở thành lực cản đối với sự phát triển chung của xã hội. Lợi ích nhóm còn làm hạn chế tác dụng của các cơ chế, chính sách, gây ra sự bất công trong xã hội, dẫn tới làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Lợi ích nhóm” là một trong những biểu hiện tiêu cực của xã hội, cũng là một trong những biểu hiện tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vậy nên việc đấu tranh nhằm hạn chế và loại trừ lợi ích nhóm trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.
Để cuộc đấu tranh này đạt được hiệu quả, trước hết và quan trọng nhất là tạo lập môi trường pháp lý mang tính đồng bộ, nhất quán và minh bạch. Cần công khai và minh bạch việc ra các quyết định phân bổ, bố trí vốn; công khai, minh bạch việc đấu thầu và giao các dự án đầu tư của nhà nước cho các tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân và các cơ quan truyền thông đại chúng. Khi phát hiện ra các nhóm lợi ích, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý và nghiêm trị theo pháp luật.
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế đang được tiến hành một cách đồng bộ, mạnh mẽ. Cùng với quá trình đó, việc xây dựng hệ thống luật pháp chính sách với các cơ chế quản lý ngày càng đồng bộ đang được tiến hành một cách nghiêm túc và khẩn trương. Sự giám sát xã hội đối với các hoạt động kinh tế ngày càng được tăng cường. Tất cả những điều đó tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và đấu tranh nhằm hạn chế và loại trừ “lợi ích nhóm” nói riêng ngày càng hiệu quả.
GS.TS Vũ Văn Hiền/Radio Việt Nam