Hà Nam hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao

(VOV5) - Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Hà Nam chú trọng tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin...

Trong mối liên hệ với vùng thủ đô Hà Nội, Hà Nam được xác định trong vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam có chức năng phát triển công nghiệp đa ngành. Tỉnh Hà Nam định hướng xây dựng quy hoạch để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp.

Hà Nam hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao - ảnh 1Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Ngày 14/12/2021, Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch Khu công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của cả nước. Như vậy, cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Hà Nam là địa phương tiếp theo hình thành khu công nghệ cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định, giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Kết hợp hài hòa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm công nghiệp, khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hà Nam hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao - ảnh 2Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp Hà Nam. Ảnh: moitruongvadothi.vn

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.500ha, trong đó tỷ lệ đất công nghiệp chiếm trên 70%, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Thời gian qua, Hà Nam tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Hà Nam chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, đồng bộ…, tạo môi trường hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư, lao động đến làm việc tại tỉnh. Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp Hà Nam, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho tỉnh ủy tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính cũng như cung cấp dịch vụ đầy đủ cho các nhà đầu tư tới Hà Nam. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa tới các nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy nhanh công tác quy hoạch các khu công nghiệp giai đoạn mới để sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư”.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh chú trọng tăng cường thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đây là các ngành tận dụng được nền tảng, trình độ phát triển công nghiệp hiện có của tỉnh và tiềm năng của Hà Nam. Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao hơn như các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và dược phẩm, Hà Nam sẽ chủ động, tích cực chuẩn bị hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, đồng bộ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và quảng bá tới các nhà đầu tư lớn về cơ hội và các ưu đãi tại Hà Nam.

Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng gần 3.500 ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha.

Tỉnh cũng huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, hoàn thành, đưa vào hoạt động Dự án Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam. Tập trung thu hút nhà đầu tư các dịch vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa tinh thần của người lao động, như: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội...

Những nỗ lực của chính quyền địa phương được các nhà đầu tư đánh giá cao. Ông Choi Namgi, Giám đốc Công ty Lisal Vina Hà Nam cho biết: “Công ty Lisal Vina từ khi xây dựng hạ tầng cho đến khi đi vào hoạt động đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hà Nam rất tốt, đặc biệt là cơ quan thuế và hải quan của tỉnh. Với sự hỗ trợ đó thì doanh nghiệp của chúng tôi trong thời gian qua hoạt động rất thuận lợi, phát triển ổn định. Hy vọng trong thời gian tới, với các điều kiện thuận lợi đó, doanh nghiệp của chúng tôi sẽ phát triển tốt hơn, góp phần vào xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng hiện đại”.

Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, Hà Nam đang tạo ra bước chuyển tích cực trong phát triển công nghiệp, gắn với chuyển giao công nghệ, thu hút lao động chất lượng cao. Đây cũng là những tiền đề thuận lợi để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, góp phần đưa Hà Nam trở thành một trong các trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc bộ về phát triển công nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác