Hà Nam phát huy lợi thế để phát triển du lịch

(VOV5) - Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nam có gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Hà Nam là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và tương đối đặc thù. Địa hình Hà Nam đa dạng, tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng, như: Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát cảnh sơn, Kẽm Trống… Đặc biệt, trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Hà Nam đã lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong đó, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và những cổ vật tiêu biểu giữ một vị trí quan trọng. Tỉnh quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 
Hà Nam phát huy lợi thế để phát triển du lịch - ảnh 1 Nhà Thủy đình - Khu du lịch Tam Chúc 

Các di tích lịch sửa cảu tỉnh Hà Nam này là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Văn Qúy, du khách đến từ Phú Thọ, cho biết: "Khu du lịch chúng tôi đã được biết từ lâu nhưng do dịch COVID- 19 nên hôm nay mới tập hợp được về đây. Chúng tôi thấy phong cảnh núi non, đồng ruộng, hồ nước đã là nền tảng để  có những công trình được tôn vinh, trong đó có chùa chiền. Buổi du lịch hôm nay rất nhiều cảm xúc".

Xác định du lịch là ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Tỉnh tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối khu du lịch Tam Chúc với quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương. Cùng với đó là việc triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch. Bà Trịnh Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, cho biết: "Khi du lịch được mở cửa trở lại thì điều quan tâm đầu tiên là khách du lịch nội địa. Du lịch Hà Nam với những sản phẩm du lịch tâm linh, rất gần gũi với người dân cũng như du khách nội địa và đặc biệt là điểm kết nối Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội trên tuyến tâm linh chùa Hương, Tam Chúc, Bái Đính, Tràng An cũng là sản phẩm khác biệt so với các điểm du lịch khác".

Hà Nam phát huy lợi thế để phát triển du lịch - ảnh 2Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Đặc biệt, năm nay, Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam diễn ra vào tháng 5 tại Khu  du lịch Tam Chúc (Thị trấn Ba Sao, Kim Bảng) và thành phố Phủ Lý là điểm nhấn trong bức tranh du lịch của tỉnh. Sự kiện nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư đến với Hà Nam. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: "Đến với Tuần lễ Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2023, du khách được trải nghiệm 12 hoạt động văn hóa, thể thao du lịch đặc sắc. Việc tổ chức các sự kiện với quy mô, chất lượng trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch Hà Nam năm 2023 không chỉ đẩy mạnh quảng bá, thu hút du lịch mà còn tạo cơ hội để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác đầu tư và phát triển du lịch tại tỉnh".

Hà Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh, thân thiện, phấn đấu đón 4 triệu lượt du khách/năm, trong đó có 490.000 lượt khách quốc tế. Với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, như: cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, sở hữu danh lam, thẳng cảnh và bề dày lịch sử văn hóa truyền thống cùng sự đầu tư đúng đắn sẽ là điều kiện tốt để tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác