(VOV5) -Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Hội nghị “Hà Nội 2018- Hợp tác Đầu tư và Phát triển.
Thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm đổi mới bộ máy hành chính, sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Hội nghị “Hà Nội 2018- Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, vừa diễn ra ngày 17/6 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh Diendan DN |
Theo đó sẽ“Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Với việc trao giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 130.000 tỷ đồng (tương đương 5,4 tỷ đô-la) tại Hội nghị “Hà Nội 2018-Hợp tác đầu tư và phát triển”, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI trong 30 năm qua. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ chi phí, các dịch vụ tiện ích khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nhiệp làm trung tâm để phục vụ:
"Kể từ ngày 1/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập doanh nghiệp chỉ cần kê khai hồ sơ qua mạng, toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển đến, kết quả sẽ được chuyển phát nhanh về đến tận nhà."
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, thời gian tới Hà Nội mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo- thành phố thông minh. Những năm gần đây Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với số lượng các dự án đầu tư vào Hà Nội tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập Hà Nội có thể trở thành 1 đại bản doanh cho các doanh nghiệp quốc tế trong thời gian tới.
Điển hình là việc Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Hàn Quốc quyết định chuyển trụ sở từ Singapore tới Hà Nội đã nói lên sự hấp dẫn của Thủ đô. Hiện đang có làn sóng đầu tư "hướng Nam", các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... đang tích cực dịch chuyển nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và Hà Nội sẽ là 1 trong những địa chỉ đầu tiên trên tuyến đường đó. Vì vậy, thành phố cần tận dụng cơ hội này để mở rộng nguồn đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Thành phố Hà Nội năm 2017, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố Hà Nội xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đến nay Hà Nội đã có trên 250 nghìn doanh nghiệp; vốn đầu tư đăng ký hàng năm hơn 400 nghìn tỷ đồng.