(VOV5) - Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ đã giúp dịch vụ logistics ở Hải Phòng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Theo đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hải Phòng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025 là 16-18%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 17%/năm.
Định hướng chung phát triển dịch vụ logistics là xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực; từng bước hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cảng biển với chất lượng cao, đủ năng lực từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài.
Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng nằm tại cửa Lạch Huyện, Sông Chanh thuộc địa phận thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng - Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hôi to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc.
Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng luôn chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng logistics với mục tiêu nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics hiện đại của đất nước. Tiềm năng, lợi thế về dịch vụ cảng, dịch vụ logistics càng phát triển khi nhiều dự án quan trọng được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ và đi vào hoạt động, đặc biệt là sự ra đời của khu bến cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với khả năng tiếp nhận tàu biển lớn và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, một trong các trung tâm logistics lớn của Hải Phòng nhận định: "Việc phát triển cảng biển ảnh hưởng lớn, tạo tiền đề lớn cho việc phát triển logistics. Từ năm 2018, khi cảng Lạch Huyện, bến 1 bến 2 của Công ty Tân cảng Hải Phòng đưa vào khai thác thì tạo nên một xu thế mới, đó là cảng nước sâu, đón được những tàu kích cỡ lớn. Hiện, chúng tôi đón được những con tàu có trọng tải lên tới 133 ngàn tấn, sức chứa lớn và có các tuyến đi đường xa kết nối với Châu Âu và Hoa Kỳ".
Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khu vực cảng biển Hải Phòng dự kiến tăng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ đã giúp dịch vụ logistics ở Hải Phòng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sao Á nhận định: "Dự kiến trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ xây dựng hàng trăm cây cầu để kết nối các vùng nông thôn, thành thị, quận huyện thuộc Hải Phòng cũng như kết nối Hải Phòng với các tỉnh lân cận trong khu vực và phía Tây Trung Quốc. Điều này giúp Hải Phòng duy trì và tăng mạnh hơn nữa sản lượng logistics, khẳng định vị trí quan trọng của mình, thực sự trở thành một trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế".
Theo định hướng phát triển dịch vụ logistic thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistic nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistic đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.
Giai đoạn 2020-2030, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistic bao gồm xếp dỡ kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa.
Bên cạnh việc triển khai đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics…Cùng với đó là nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế của Hải Phòng, đồng thời liên kết với các trung tâm logistics khác trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - Ảnh: haiphong.gov.vn |
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: "Theo tinh thần nghị quyết 45, thành phố Hải Phòng đã xây dựng quy hoạch phát triển logistic. Trên cơ sở HĐND thành phố phê duyệt và nghị quyết phát triển logisctic thì thành phố đã ban hành kế hoạch chương trình hành động với mục tiêu là đến năm 2025, mức tăng trưởng của logistic đạt từ 30-35%, chiếm tỷ trọng từ 20-25% GDP đồng thời đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng logistic đạt 30-35%, đóng góp trên 30% GDP thành phố. Thời gian tới, lĩnh vực logistic Hải Phòng chắc chắn có những bước phát triển đúng định hướng".
Với nền tảng định hướng quy hoạch cụ thể, thành phố Hải Phòng đang quyết tâm phát triển mạng lưới trung tâm logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế, hướng đến dịch vụ logistics chuyên nghiệp mang tầm quốc tế.