(VOV5) -Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới hơn 2%.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này, đặc biệt về kinh tế.
Hiệp định CPTTP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản. Ảnh minh họa/tintuconline |
Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NICF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới hơn 2%. Những con số này chưa tính đến tác động từ đầu tư cũng như từ sức ép cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Về xuất nhập khẩu, trong dự báo của NICF, xuất khẩu tăng khoảng 4%, nhập khẩu khoảng dưới 3,8% tăng thêm.
Theo tính toánh của NICF, trong CPTPP, dệt may và da giày là những ngành được đánh giá là có mức hưởng lợi cao nhất nhờ sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU. Cùng với đó, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi từ CPTPP. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới có thể giúp Việt Nam thay đổi được công nghiệp phụ trợ.