(VOV5)- Những năm qua, nghề nuôi cá tra tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mang lại thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam được thế giới ưa chuộng, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia với kim ngạch xuất khẩu năm 2011 lên tới 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, nghề nuôi cá tra cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước yêu cầu phát triển bền vững. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã quyết định thành lập Hiệp hội cá tra ngay trong tháng 1/2013.
Năm 2012 vừa qua được cho là năm khó khăn đối với ngành sản xuất cá tra Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chỉ còn khoảng 160 doanh nghiệp xuất khẩu, giảm 30% so với năm 2011 có khoảng 230 doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ có 20% doanh nghiệp duy trì được xuất khẩu ổn định, số doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất và xuất khẩu cầm chừng. Chính vì vậy, thông tin thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam trong tháng 1/2013 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành hàng, tăng trưởng trong vùng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Hiệp hội cá tra Việt Nam ra đời sẽ góp phần định hướng giúp nghề nuôi cá tra phát triển ổn định và bền vững, trong đó các vấn đề yếu kém về mất cân đối cung cầu, giá cả nguyên liệu không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh sẽ được giải quyết một cách thống nhất. Mặt khác, Hiệp hội cũng góp phần giải quyết những khó khăn về các hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, thị trường tiêu thụ đối với con cá tra trong thời gian qua. Qua đó, giúp nghề nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra của Việt Nam phát triển ổn định, bền vững gắn với bảo vệ môi trường… Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra ở Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ, cho rằng: “Là người nuôi cá tra, những năm qua bản thân tôi gặp nhiều khó khăn. Thông tin thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam là điều đáng mừng. Tôi hy vọng hiệp hội sẽ góp phần giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm, nuôi có lãi, tránh tình trạng lỗ và không để tồn đọng.”
Hiện nay, mặt hàng cá tra Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều nước, nhiều châu lục. Ngành sản xuất cá tra xuất khẩu đang tràn đầy cơ hội phát triển song thời gian qua, thách thức của ngành hàng này vẫn còn rất lớn. Nhất là trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam còn yếu, trình độ quản lý còn nhiều bất cập, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nhà nhập khẩu thường xuyên thay đổi và ngày càng đòi hỏi khắt khe. Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn vướng vào các vụ kiện phá giá và các rào cản thương mại, làm ảnh hưởng khá lớn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước... Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh Đồng Tháp, đề nghị: “Đây là điều mong ước từ lâu của doanh nghiệp. Tôi mong rằng thành phần lãnh đạo hiệp hội là những người có kinh nghiệm từng làm việc ở các ngành liên quan và có điều kiện tiếp xúc với thế giới để cá tra Việt Nam ngày càng được nhiều nước biết đến và sử dụng.”
Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Khu vực ĐBSCL đến năm 2020 đã xác định cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, cùng với sự ra đời của Ban chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì việc có một tổ chức cộng đồng nhằm từng bước quản lý ngành sản xuất cá tra toàn diện, phát triển một cách vững chắc là điều cần thiết. Bên cạnh đó, sự hình thành Hiệp hội đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh; giải quyết nhiều lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội chung và đặc biệt là nâng cao hình ảnh cá tra Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho rằng cần sớm có quy định cá tra là sản phẩm kinh doanh có điều kiện; đồng thời có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% từ 6 tháng đến 1 năm cho ngành cá tra: "Vấn đề chính là Hiệp hội cần tổ chức lại sản xuất làm sao gắn chặt với thị trường. chấn chỉnh lại thị trường, từ quy hoạch đến nuôi trồng, chế biến. Rất mong Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội cá tra và 8 tỉnh trong vùng cùng nhìn về một hướng, cùng có tiếng nói chung để phát triển cá tra Việt Nam.”
Gần đây, Thụy Điển và Đan Mạch đã đưa cá tra vào “danh sách xanh”, công nhận cá tra Việt Nam được nuôi trên cơ sở phát triển bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Giữa tháng 8 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng phải bỏ áp thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam. Vì vậy, sự ra đời của Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ là nền tảng, là động lực để cá tra Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và vươn xa ra toàn thế giới./.