(VOV5) - Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 tại châu Phi, sau Nam Phi, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này.
Nhằm giới thiệu thị trường Việt Nam và tăng cường kết nối doanh nghiệp, ngày 4/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Bờ Biển Ngà tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối kinh doanh giữa hai nước.
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Bờ Biển Ngà.
Đại sứ Việt Nam tại Maroc kiêm nhiệm Côte d'Ivoire phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Maroc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà cho biết, Bờ Biển Ngà là một trong những nền kinh tế hàng đầu của khu vực Tây Phi và có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Với dân số xấp xỉ 26,5 triệu người, đây là quốc gia có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh. Bờ Biển Ngà có nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành sản xuất mà Việt Nam có thể tiếp cận khai thác, trong đó có một số mặt hàng Việt Nam đã và đang nhập khẩu với số lượng lớn để phục vụ sản xuất như hạt điều thô, bông, nguyên liệu thức ăn gia súc…
Tới đây, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi… tổ chức các hoạt động trực tuyến và trực tiếp để kết nối các đối tác Việt Nam và Bờ Biển Ngà và đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động này.
Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 tại châu Phi, sau Nam Phi, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này, sau Nam Phi, Ai Cập và Ghana. Trong giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều đã đạt hơn 1 tỷ USD USD.
Năm 2021, thương mại song phương ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau khoảng thời gian sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với tổng kim ngạch đạt gần 1,26 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2020.