(VOV5) - Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bền vững trong kinh doanh để hướng tới một xã hội xanh hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển nhanh, cần đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bền vững trong kinh doanh để hướng tới một xã hội xanh hơn.
Đây cũng là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050” do hai bên cùng tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Thực tế có rất nhiều giải pháp để có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong công nghiệp thông qua các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thái tử Đan Mạch thăm Hải Phòng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng Đan mạch - Việt Nam lên một tầm cao mới. - Ảnh: ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam |
Ông Eric Lai, Tổng giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương Công ty Grundfox cho biết: "Các ngành công nghiệp đang có chỉ số phát thải đứng thứ 2 chỉ sau ngành phát điện và đang chiếm tới 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên toàn cầu".
Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Đan Mạch, ông Eric Lai cho biết: “Hiện nay, Đan Mạch đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực về năng lượng. Cụ thể từ năm 1990 đến 2018 các ngành công nghiệp của Đan Mạch đã phát triển rất mạnh mẽ tuy nhiên mức tiêu thụ năng lượng, cường độ sử dụng năng lượng thực tế lại giảm 1 nửa. Để làm được điều này chủ yếu là nhờ cải thiện hiệu quả, hiệu suất năng lượng với quy mô lớn, tối ưu hóa hệ thống và đồng thời thông qua chuyển đổi số, số hóa”.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại buổi lễ: Ảnh/Mạnh Quỳnh VOV5 |
Trong nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong ngành năng lượng nói riêng và các lĩnh vực nói chung, có sự đóng góp lớn từ cộng đồng người Việt hiện có khoảng 15 ngàn người ở Đan Mạch. Đây là thông tin được ông Lars Sandahl Sorensen, Giám đốc điều hành liên đoàn công nghiệp Đan Mạch cho biết tại hội thảo.
Ông Lars Sandahl Sorensen, Giám đốc điều hành liên đoàn công nghiệp Đan Mạch phát biểu tại buổi Hội thảo: Ảnh/ Mạnh Quỳnh VOV5 |
Ông Lars Sandahl Sorensen nói: “Người Đan Mạch gốc Việt rất thân thiện, có tham vọng và là một phần rất quan trọng trong xã hội của Đan Mạch. Chúng tôi có những cảm nhận rất tích cực về những người Đan Mạch gốc Việt và đây là lý do tại sao Việt Nam lại thu hút được rất nhiều các dự án đầu tư từ Đan Mạch. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và việc biến đổi khí hậu, đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề năng lượng. Việt Nam đã và đang làm rất tốt với những mục tiêu rất tham vọng”
Theo ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ công thương cho biết: Nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi nhu cầu về điện tăng khoảng 10% cùng trong giai đoạn này. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng gần 68% trong năm 2020 và sẽ chiếm khoảng gần 74% và gần 80% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
Ông Phương Hoàng Kim cho biết, hiện nay Chương trình “Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch” đã chính thức triển khai giai đoạn từ năm 2020 -2025. Việt Nam với lộ trình xây dựng cacbon thấp trong các ngành năng lượng, phù hợp với cam kết của NDC và sẽ tăng cường các giải pháp vào năm 2025. Đây là chương trình có đóng góp rất tích cực trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Ông Phương Hoàng Kim chia sẻ: “Chúng tôi đã có những dự án thành công như đối với các làng nghề, cụ thể như làng nghề Bát Tràng đã chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình mới. Nếu như trước đây từ đốt than tổ ong thì nay đã chuyển hoàn toàn sang đốt khí giúp cho việc giảm phát thải môi trường thì đó là những thành công của giai đoạn đầu của chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Đan Mạch. Tiếp theo, chúng tôi triển khai giai đoạn hai với chương trình đào tạo nhân lực và kiểm toán năng lượng để thực hiện các dự án thì cũng đã triển khai rất thành công. Giai đoạn 3 sẽ hướng tới mục tiêu hiện thực hóa các thực thi pháp luật tại Việt Nam thông qua những bài học và kinh nghiệm thành công của Đan Mạch cũng như thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc, quản lý chứng nhận tiêu chuẩn năng lượng”.
Các doanh nghiệp Việt Nam - Đan Mạch ký kết Bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam và vợ chồng Thái tử Đan Mạch Frederik, ngày 01/11 tại Hà Nội. |
Trên thực tế, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những rào cản, thách thức đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, vì vậy mà nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho những dự án này. Các đại biểu tại hội thảo chỉ ra rằng, bản thân các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp cần phải có lối tư duy xanh, để có thể có những chuyển dịch xanh, từ đó tối ưu hóa hệ thống của doanh nghiệp mình. Đây cũng là cơ sở giúp Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp nói chung trên toàn cầu thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như giữ nguyên trạng đối với môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI cho biết: Hơn 10 năm qua, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam và trên thế giới chung tay để triển khai các sáng kiến về phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Các mô hình kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn đang tạo ra rất nhiều cơ hội, theo ước tính của diễn đàn kinh tế thế giới, hàng năm lợi nhuận của kinh tế tuần hoàn đem lại là khoảng 4,5 nghìn nghìn tỷ USD và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới thông qua các mô hình kinh doanh mới mà kinh tế tuần hoàn đem lại. Chúng ta sử dụng ít hơn, chúng ta sản xuất được nhiều sản phẩm hơn. Tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được triển khai 7 năm và hy vọng trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục triển khai các sáng kiến, nhân rộng về mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ doanh nghiệp hội viên triển khai tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ Công thương, Bộ kế hoạch đầu tư và đối tác Đan Mạch, hàng năm sẽ có những đánh giá chuyên đề để tôn vinh, cổ vũ những doanh nghiệp có những sáng kiến kinh doanh mới về kinh tế tuần hoàn”.