Hợp tác vốn vay có thể giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế

(VOV5)- Vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã ký 11 Hiệp định vay vốn JICA thuộc năm tài khóa 2012 với tổng trị giá hơn 175 tỷ Yên (tương đương khoảng 1,9 tỷ USD). Số vốn vay trên được đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam. Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam về nội dung này.


Bấm để nghe âm thanh:



PV:
Thưa ông, đây là năm thứ 21 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện ký kết vốn vay này?

Ông Motonori Tsuno: Có thể nói trong suốt 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và hiện nay đối với JICA thì Việt Nam là một đối tác quan trọng nhất. Năm nay kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, trong suốt cả năm nay sẽ có rất nhiều hoạt động, chương trình dự kiến sẽ được tổ chức để chào mừng sự kiện này. Tôi nghĩ rằng sự kiện ký kết hợp đồng vốn vay giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản lần này cũng hết sức phù hợp, góp phần tô thắm thêm quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Hợp tác vốn vay có thể giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - ảnh 1
Ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. (Ảnh: vnexpress.net)

PV: Xin ông cho biết vốn vay lần này tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên nào?

Ông Motonori Tsuno: Tất cả 11 dự án được vay vốn lần này đều là những dự án có mức độ ưu tiên rất cao, nằm trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang  đặt ra mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp và để thực hiện mục tiêu này Việt Nam đã đặt ra 3 ưu tiên: Thứ nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân và hoàn thiện về thể chế chính sách. Về phía JICA chúng tôi có thể hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các mục tiêu này. Từ trước đến nay chúng tôi đã tiến hành và trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cả về mặt tài chính cũng như cả về kỹ thuật, công nghệ. Thông qua những hỗ trợ này, chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam về những khía cạnh cả phần cứng và phần mềm.

 PV: Hiện Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Vậy điều kiện cho lần vay này là gì, thưa ông?

Ông Motonori Tsuno:  Về điều kiện chung, lãi suất sẽ là 1,4%/năm, thời gian trả nợ cho những khoản vay này là 30 năm. Riêng trong các dự  án này có 4 dự án gồm Dự án xây dựng cầu Nhật Tân (cầu Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản); Dự án xây dựng cảng quốc tế Cái Mép- Thị Vải ; Dự án các cầu trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam và Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) thì điều kiện vốn vay có ràng buộc ví dụ như sử dụng công nghệ của Nhật Bản, tuy nhiên những điều kiện khác về lãi suất thì vẫn chỉ có 0,2%/năm và thời gian trả nợ là 40 năm, tức là những điều kiện cho vay vẫn hết sức ưu đãi. Đối với dự án xử lý nước thải ở Yên Sở áp dụng điều kiện vốn vay ưu đãi là lãi suất 0,65%/năm và thời gian trả nợ là 40 năm. Dự án liên quan đến ứng phó và biến đổi khí hậu thì lãi suất là 0,3%/năm và thời hạn vay là 40 năm.

Như chúng ta đều biết, từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên Việt Nam mới chỉ là ngưỡng cửa bắt đầu, còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, vì thế thời gian tới Việt Nam vẫn cần nhiều vốn cho phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Nhật Bản vẫn sẵn sàng dành cho Việt Nam những khoản vay ODA ưu đãi để Việt Nam vượt qua giai đoạn ngưỡng cửa này. Trong khối ASEAN, những nước khác như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Singapore có mức phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam và bắt đầu từ 2015, thuế quan sẽ được dỡ bỏ trong các nước ASEAN, quá trình hội nhập kinh tế trong khối các nước này cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Để Việt Nam phát triển kinh tế bền vững thì cần vượt qua những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Chúng tôi cũng đánh giá là hợp tác vốn vay lần này có thể giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Ngoài ra, như chúng ta đều biết, cùng với phát triển kinh tế thì nảy sinh nhiều hệ lụy khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn. Tôi nghĩ rằng khoản vốn vay lần này sẽ góp phần giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề đó, góp phần cùng Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội bền vững hơn trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin/bài khác