(VOV5) -Năm 2014 tiến trình tái cấu trúc kinh tế ở Việt nam đã được đẩy nhanh với việc tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy kết quả chưa được như mong muốn, nhưng các giải pháp của Chính phủ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của đã phát huy hiệu quả, tạo cơ sở để đẩy nhanh tiến trình tài cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chương trình tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt nam đã được triển khai trong 3 năm qua, đến nay đã phát huy hiệu quả. Kết quả nổi bật nhất là tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả bước đầu của chương trình tái cơ cấu, bước sang năm nay, Chính phủ Việt nam đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu đổi mới thể chế kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, giảm nhanh lạm phát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý tạo điều kiện đẩy mạnh tái cơ cấu ở cả 3 lĩnh vực chủ yếu là : đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính, ngân hàng. Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Nhìn chung quyết tâm chính trị về tái cao cấu nền kinh tế đã được thể hiện trong các văn bản pháp quy và bắt đầu có tác dụng đi vào cuộc sống. Kết quả vẫn chưa được như kế hoạch đặt ra từ ban đầu, nhưng mở hướng đi quan trọng
|
Ảnh:baodientu.chinhphu.vn |
Thực hiện chỉ đạo của chính phủ, ngay từ đầu năm, lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công đã thực hiện những bước đi quyết liệt như: loại bỏ được 42 dự án kém hiệu quả, khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Bên cạnh đó, khung pháp lý được hoàn thiện. Các kế hoạch đầu tư dài hạn từ trung ương đến địa phương được thay cho các kế hoạch ngắn hạn trước đây. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động bố trí sắp xếp nguồn lực theo thứ tự ưu tiên, tập trung bố trí vốn hoàn thành các dự án dở dang.
Lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng dần khắc phục hạn chế và triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như: tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy cổ phần hóa. Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Hiện đã sắp xếp, cổ phần hóa được 126 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 107 doanh nghiệp, sáp nhập 12 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có 10 Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải, 4 cảng lớn (Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang) cũng đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thời gian tới vẫn cần có thêm những giải phải pháp tổng thể để đẩy nhanh tiến độ đã đặt ra. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận xét:Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chủ yếu hướng đến mục tiêu cổ phần hóa, chưa tái cơ cấu toàn diện. Điều này đòi hỏi một loạt quyết định về mặt pháp luật và phải có sự giám sát đặc biệt. Vấn đề bây giờ phải có những biện pháp để xây dựng những đề án có thể thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện và có hiệu quả hơn trong việc tái cấu trúc này
Trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế thì tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng thời gian qua đạt hiệu quả rõ nét nhất. Đến nay đã hoàn tất xử lý 8 trong số 9 ngân hàng yếu kém. Chính phủ cũng thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo đó sẽ tiếp tục tái cấu trúc hoặc sáp nhập 6 -7 ngân hàng nữa. Cùng với việc sắp xếp lại các tổ chức tín dụng ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũng được thực hiện quyết liệt, nợ xấu đã giảm được một nửa
Cùng với tiến trình tái cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 được dự báo có khả năng đạt 5,8%. Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Điều này cho thấy, tái cấu trúc nền kinh tế đang đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của Việt Nam./.