(VOV5) - Dự kiến trong các năm tới, các start-up giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn.
Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp của Topica Founder Institute (TFI), trong năm ngoái các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được gần 890 triệu USD đầu tư với các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, Báo cáo của KrAsia (công ty truyền thông kỹ thuật số chuyên phân tích doanh nghiệp và xu hướng phát triển công nghệ) và Bain&Co (công ty tư vấn quản lý toàn cầu) cho thấy Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư, gấp đôi của năm 2017. Dự kiến trong các năm tới, các start-up giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn. Làm thế nào để các start-up Việt thu hút được các nguồn vốn, chất lượng là bài toán đang đặt ra cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup ... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp như: Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…
Ảnh minh họa: VOV |
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố tạo nên sự thành công của startup bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund) trên thế giới và trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu hiện nay là khơi thông dòng vốn, khai thác dư địa đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam để tiến tới mục tiêu gần là đến cuối năm nay thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Điều đầu tiên rất cần là vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp; cần tới nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần. Chúng ta cũng cần đến hạ tầng và dịch vụ để hỗ trợ khởi nghiệp và vai trò của các trường trong cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao. Cùng với đó là thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn. Văn hóa khởi nghiệp sáng tạo chấp nhận đối với những người trẻ, dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận rủi ro, thất bại để có thể đi đến đích thành công.”
Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại trên 60 nền kinh tế, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng dù không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới về tinh thần khởi nghiệp nhưng khả năng hiện thực hóa tinh thần ấy lại không cao. Vì vậy, cần sớm xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp, trong đó, hệ sinh thái tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng: “Khởi nghiệp là hoạt động kinh doanh rất đặc thù, do đó cần có những nguồn vốn đặc thù và nguồn vốn đó phải chấp nhận mạo hiểm, nhưng cũng có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn. Theo tôi, cần phải có những nghiên cứu rất kỹ về các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần. Phải tạo ra 1 hệ thống khuyến khích để thúc đẩy các nguồn vốn này.”
Ảnh minh họa: VOV |
Khẳng định vai trò bệ đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia cho rằng cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp là yêu cầu cấp bách, để từ đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải cải thiện tốt môi trường kinh doanh. Trong các xếp hạng mới nhất, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm non yếu. Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Từng tỉnh, từng thành phố phải làm thật cụ thể mà phải có những bước đột phá, phải phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và những ngành kinh tế dựa trên hay ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Tiếp tục chú ý tốt hơn đến giáo dục và khoa học công nghệ.”
Để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các start-up một cách hiệu quả và thuận lợi nhất, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm từ các cơ quan quản lý Nhà nước thì còn đòi hỏi sự nhạy bén và nỗ lực đến từ chính cộng đồng các start-up. Chia sẻ kinh nghiệm với các start-up, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng: “ Đối với các bạn khởi nghiệp, các bạn hãy sống khát khao, hết mình cho ước mơ và phải kiên trì để đạt được ước mơ của mình. Tại EU, độ tuổi trung bình của 1 người sáng lập start-up là 35, 83% số start-up là đàn ông.
Làm thế nào để chúng ta có thể đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ kinh doanh, các vấn đề liên quan đến văn bản, chúng ta dịch được ra để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam và giúp cho chính người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận.”
Một trong những trụ cột chính của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đó chính là nguồn vốn. Tin vui là 10.000 tỷ đồng (khoảng 420 triệu USD) là số tiền mà 18 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết sẽ rót cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong 3 năm tới. Có thể thấy là khá nhiều tín hiệu vui trong hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời gian qua và trong thời gian tới. Bộ KH-CN đã trình Chính phủ báo cáo xây dựng các quy định về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp… cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo kỹ năng để các start-up Việt vươn ra thị trường.