(VOV5) - Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đối tác nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm quý để phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VTV |
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Liên minh đổi mới sáng tạo phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đối tác nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm quý để phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh trong khi các tài nguyên vật chất càng khai thác càng cạn kiệt thì chất xám, đổi mới sáng tạo càng khai thác càng phát triển. Thủ tướng cho rằng mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, lao động cần phải được chuyển hướng vào phát triển kinh tế số dựa vào đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ.
Đây là những bước đi quan trọng để giúp Việt Nam có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình: "Các doanh nghiệp cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh hội nhập, mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn đòi hỏi phải đầu tư và phát triển năng lực công nghệ bao gồm việc nghiên cứu và phát triển, việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tao trở nên cấp thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt, khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo".
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội; chia sẻ những kinh nghiệm của quốc tế, trong đó có Hàn Quốc; đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng để khoa học công nghệ thật sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội thì cần hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật, có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học trong và ngoài nước; đầu tư cho khoa học công nghệ, nhất là với doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường liên kết giữa các viện, trường... thật sự trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo.