(VOV5) - Theo đánh giá, bên cạnh lợi thế về phát triển điện gió, điện mặt trời, Việt Nam còn có tiềm năng vô cùng lớn trong sản xuất năng lượng từ chất thải.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lương tái tạo trong khi Thụy Điển là quốc gia hàng đầu trên thế giới về phát triển năng lượng xanh sạch. Dựa trên nền tảng quan hệ đối tác tin cậy giữa hai nước, doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tiến tới hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam và Thụy Điển đề ra để khởi động cho một hợp tác mới về năng lượng trong tương lai.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ, thời gian tới Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển các thị trường năng lượng, mà đặc biệt là năng lượng tái tạo, chuyển đổi hệ thống chủ yếu phụ thuộc vào năng lượng truyền thống sang phát triển nhiều hơn vào năng lượng xanh, sạch.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo "Triển vọng hợp tác Việt Nam- Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo". - Ảnh Hà Linh |
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năng lượng tái tạo có thể giúp giải quyế tbài toán về môi trường. Với tiềm năng lớn, năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng, khi giá cả loại điện năng này đang cạnh tranh hơn so với năng lượng truyền thống: “Cho đến thời điểm này, với tổng công suất của các dự án thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lên tới hàng chục nghìn MW. Các dự án này đã đóng góp tích cực cho đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Tuy nhiên,xã hội càng phát triển thì nhu cầu năng lượng thời gian tới ngày càng lớn hơn bao giờ hết. Vì thế,Bộ Chính trị đề ra nghị quyết 55, trong đó nhấn mạnh phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.”
Để thực hiện Nghị quyết này, Bộ Công Thương đang chỉ đạo tích cực triển khai tổng sơ đồ năng lượng Việt Nam cho giai đoạn từ na yđến 2030 (Quy hoạch điện 8) và tầm nhìn đến 2050, làm sao đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ cụ thể của Nhà nước cho các dự án năng lượng ngày càng ít đi thì rất cần vận động một cách tích cực và triệt để hơn những nguồn lực xã hội từ khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài.. vào phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Là quốc gia tiên phong trên thế giới đề ra các giải pháp hướng đến hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng, Thụy Điển mong muốn đóng góp những giải pháp công nghệ xanh cho sự phát triển tại Việt Nam. Theo Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe, Thụy Điển và Việt Nam có một lịch sử lâu dài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trước đây, trọng tâm là thủy điện. Ngày nay, vấn đề xác định là biến đổi khí hậu. Thụy Điển cũng như Việt Nam cần phải chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên tập trung vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong truyền tải điện.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe phát biểu tại hội thảo. - Ảnh Hà Linh |
“Chúng tôi đến Việt Nam cùng với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hoạt động ở các mảng, như: thiết bị điện, năng lượng gió, mặt trời, xử lý chất thải, Bên cạnh đó, cùng các đại diện các tổ chức chính phủ Thụy Điển để cung cấp các giải pháp tài chính và nghiên cứu tiền khả thi trong lĩnh vực năng lượng. Chính phủ Việt Nam đang có một kế hoạch tham vọng ch otầm nhìn dài hạn về lĩnh vực năng lượng. Sau khi khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực khôi phục kinh tế song hành với phát triển xanh bền vững.” Đại sứ Thụy Điển nói,
Theo đánh giá, bên cạnh lợi thế về phát triển điện gió, điện mặt trời, Việt Nam còn có tiềm năng vô cùng lớn trong sản xuất năng lượng từ chất thải. Sẵn sàng tâm thế hợp tác, các công ty Thụy Điển đã chia sẻ những công nghệ sản xuất năng lượng cho Việt Nam. Cụ thể như công ty ABB chia sẻ về hệ thống pin tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý thị trường năng lượng bán buôn, lưới kỹ thuật số - tự động hóa lưới lợi thế về kết nối 4G/5G trong chuỗi giá trị năng lượng; Công ty Hexicon đem đến công nghệ đa tua bin cho các dự án điện gió gần và xa bờ. Còn Linxon chia sẻ về trạm biến áp cho điện xoay chiều dưới hình thức dự án chìa khóa trao tay. Ngoài ra, đại diện Tổ chức tín dụng xuất khẩu (SEK) và Quỹ tín dụng Xuất khẩu (EKN) của Thụy Điển còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính với các nhà đầu tư.
Tham tán thương mại Thụy Điển tại Việt Nam Bjorm Savlid cho biết các công ty Thụy Điển rất háo hức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tiềm năng Việt Nam. - Ảnh Hà Linh |
Tham tán thương mại Thụy Điển tại Việt Nam Bjorm Savlid chỉ ra những vấn đề các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm nhất: “Chúng tôi đã nhận được những phản hồi khá tích cực từ phía doanh nghiệp Thụy Điển. Họ đều rất quan tâm đến mảng này và muốn tìm hiểu về tổng sơ đồ điện 8 để biết xem trọng tâm ưu tiên trong đó là gì. Quan trọng hơn, họ muốn biết cụ thể những cơ chế, chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào, rồi sự vào cuộc của các doanh nghiệp tư nhân ra sao, hợp đồng mua bán điện với EVN cũng như việc cắt giảm thuế như thế nào…"
Việt Nam đang chứng kiến dòng vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...Với nhiều nét tương đồng giữa hai quốc gia, Thụy Điển hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển năng lượng bền vững, bởi tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này cho hai bên là rất lớn. Câu chuyện là làm sao hai nước hiện thực hóa được điều này qua các chương trình hợp tác.
"Thụy Điển được biết đến với hệ thống xử lý chất thải được quản lý tốt và các giải pháp biến chất thải thành năng lượng tiên tiến và là một trong những quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Thụy Điển được xếp hạng số 1 về chuyển đổi năng lượng ba năm liên tiếp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018-2020..Đặc biêt, Thụy Điển là đất nước thực hiện chương trình quản lí và tái chế rác thải tốt nhất thế giới."