Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1

(VOV5) - Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm ngoái và là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. 

Sáng nay (27/03), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.

Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 - ảnh 1Ký kết Biên bản ghi nhớ “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1”. Ảnh: nhandan.vn

Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á; chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn); cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư. Thời gian triển khai giai đoạn 1của Sáng kiến là 19 tháng, từ tháng 3 năm nay đến tháng 10 năm sau.

Phát biểu tại lễ khởi động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm ngoái và là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Sáng kiến là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, qua đó góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/2 năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư gần 5.300 dự án vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,3 tỷ USD. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác