(VOV5) - Sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng tích cực.
Điều này chứng tỏ năng lực trụ hạng, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Đây là đánh giá của các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 diễn ra hôm qua (19/09), tại Hà Nội. Tại Diễn đàn, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực và củng cố niềm tin của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 diễn ra ngày 19/09 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần thực hiện, gồm: định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”; thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Còn theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề mang tính chiến lược: "Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta hãy thực thi thật tốt các cơ chế, chính sách, nghị quyết đã được ban hành thời gian qua. Thúc đẩy những động lực tăng trưởng hiện hữu, liên quan đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Phối hợp chính sách thật tốt để vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo mức độ bền vững, đặc biệt liên quan đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như những cân đối lớn. Thứ tư, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế trong thời điểm hiện nay và sắp tới".
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng cùng với năng lực nội sinh và động lực phát triển, cần phát huy sức mạnh ngoại sinh. Theo đó, cần tranh thủ cơ hội để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tận dụng dịch chuyển về dòng vốn, công nghệ và xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.