Khởi tố vụ án Muaban24 tại 8 tỉnh, thành

Tính đến ngày 9/8, đã có Công an Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội, Lào Cai, Bắc Kạn, Hưng Yên, Đắk Lắk, Hà Nam tiến hành khởi tố vụ án Muban24 tại các chi nhánh theo điều 226b, Bộ luật Hình sự.


Khởi tố vụ án Muaban24 tại 8 tỉnh, thành
Nguyễn Mạnh Hà (áo đen) là một trong 4 đối tượng cầm đầu mạng lưới Muaban24 bị bắt khẩn cấp tại Hà Nội (Ảnh: Vũ Văn Tiến – Hồng Kỹ).

Hiện Công an nhiều tỉnh thành khác đang tiếp tục vào cuộc điều tra tại các chi nhánh khác của Muaban24.

Theo kết quả điều tra bước đầu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) -Bộ Công an và PC45 (Công an Hà Nội), vòi bạch tuộc của Muaban24 đã vươn tới 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 50 chi nhánh.

Chỉ trong vòng 1 năm, mạng lưới của Muaban24 đã lôi kéo được hàng chục nghìn người tham gia, với khoảng 120.000 gian hàng ảo được bán ra và thu tiền mặt. Bước đầu, cơ quan điều tra xác minh số tiền mà mạng lưới này thu được vào khoảng hơn 600 tỷ đồng.

Qua khai thác các đối tượng, trực tiếp là Nguyễn Mạnh Hà - người quản trị toàn bộ hệ thống của Muaban24 và phân tích thuật toán phân chia mà mạng lưới này sử dụng, cơ quan điều tra nhận định trong số hơn 600 tỷ đồng thu được, có khoảng 200 tỷ đồng được chuyển về trụ sở đầu não của Muaban24.

Được biết, các đối tượng trong mạng lưới Muaban24 đã chia thành 5 cấp gồm cấp Giám đốc, Phó Giám đốc, VIP lãnh đạo, VIP và thành viên để hưởng hoa hồng.

Theo đó, đã có hơn 130 ghìn người tham gia vào hệ thống, trong đó có hơn 17 nghìn người từ Công ty Tâm Mặt trời chuyển sang, số còn lại gần 120 nghìn người mới.

Theo các cán bộ C50 cho biết,  để điều tra, làm rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng lãnh đạo Công ty Muaban24 là một quá trình khó khăn. Bởi, qua nắm tình hình, các trinh sát xác định công ty trên có biểu hiện chiếm đoạt tài sản của người tham gia, nhưng cách thức chiếm đoạt thế nào, ăn chia ra sao và chúng đã làm thế nào để có thể khiến bị hại tin, nộp tiền cho chúng?

Chính vì vậy, suốt từ tháng 9/2011, các trinh sát cục C50 đã bám địa bàn, thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của chúng, qua đó, phát hiện, ngoài việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các đối tượng không hề nộp thuế cho nhà nước.

Phát triển mạnh nhất trong "ổ nhện" Muaban24 có lẽ là Hà Nội, khi con số ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy các chi nhánh trên địa bàn thủ đô đã phát triển được tới khoảng 50.000 gian hàng.

Hiện sau khi các lãnh đạo của Muaban24 bị bắt, hàng nghìn hội viên ở các tỉnh, thành đã đến trình báo các cơ quan chức năng, đồng thời đến các chi nhánh Muaban24 để đòi lại số tiền đã nộp.
 

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Việc mua bán gian hàng ở Muaban24 là những thứ không tồn tại vì nó chỉ là những tài khoản ảo, giống như trên sổ sách ta viết ra một con số 1 tỷ đồng và coi như mình đã có số tiền đó. Muaban24 không bán hàng mà lại bán "gian hàng", những người kém hiểu biết bị họ lừa vì rằng mua gian hàng cũng giống như mua ki ốt ở chợ, đây chỉ là những ki ốt ảo, "vẽ" trên một tờ giấy to vô hạn là Internet, do vậy dù có bao nhiêu người đều có thể vẽ vào đó được.


Tuy vậy, có rất nhiều người kém hiểu biết, thậm chí chưa hề biết gì đến Internet cũng lao vào mua mong kiếm được lời. Khi vụ án trên được khởi tố, có hàng nghìn "tín đồ" của mạng lưới này mới giật mình khi nhận ra rằng mình đang u mê, tiếp tay cho lừa đảo.

 
Khởi tố vụ án Muaban24 tại 8 tỉnh, thành
Ngô Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24 tỏ ra suy sụp khi tra tay vào còng (Ảnh: Vũ Văn Tiến - Hồng Kỹ)

Theo các trinh sát, điều tra viên, các đối tượng đã xây dựng hệ thống Muaban24 theo mô hình mở các tài khoản, gian hàng trên mạng và phát hành một loại tiền ảo (tiền D) có giá trị trong hệ thống Muaban24, tương đương 1D = 10 nghìn đồng tiền thật.

Khi người chơi tham gia phải nộp 5,2 triệu đồng để mua gian hàng, theo đó, sẽ có 520D để chia cho hoa hồng và các cấp phía trên (như: VIP, VIP lãnh đạo, Phó Giám đốc, Giám đốc…), còn tiền thật sẽ được chuyển về "đầu não" của Muaban24. Do đó, người chơi chỉ được sở hữu một loại tiền ảo, còn tiền thật đã bị chiếm đoạt mà không biết. Với quy định, tiền ảo sẽ được đổi thành tiền thật, nếu người chơi muốn rút, các đối tượng đã khiến người chơi tưởng rằng mình có tiền nhưng thực chất, tiền đã bị các đối tượng cầm đầu rút ra chia nhau hết.

Chính vì vậy, nhiều người chơi, sau khi nhận thấy bị chiếm đoạt tiền đã muốn đổi điểm để rút tiền thật. Đến lúc này, các đối tượng mới yêu cầu người chơi phải "nhượng" tiền ảo đó cho người khác.


 
Sau hơn 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Muaban24 trong cả nước, đến nay đường dây này đã từng bước được phanh phui với sự vào cuộc rốt ráo của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành.

 
Theo cơ quan điều tra, mạng lưới Muaban24 hiện có hơn 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.

 
Đây là vụ việc có nhiều tính chất mới, phức tạp liên quan đến công nghệ cao, gây thiệt hại kinh tế lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm.
 

Để góp phần làm rõ hành vi của mạng lưới này trước pháp luật, các bị hại có thể đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội - Công an Hà Nội tại địa chỉ số 7 Thiền Quang để trình báo.
 
Theo Dantri

Phản hồi

Các tin/bài khác