Kinh tế 6 tháng đầu năm 2015: Hướng đến sự phát triển ổn định

(VOV5) - Kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, GDP tăng gần 6,3% so với cùng kỳ trước và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Dự báo  những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng từ những kết quả đạt được sẽ khích lệ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, phấn đấu để có một năm thành công cho nền kinh tế.

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2015: Hướng đến sự phát triển ổn định  - ảnh 1
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đóng góp tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng qua là 3 lĩnh vực đều tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 9%; dịch vụ tăng hơn 5% và nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 2,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây. Hoạt động phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực, với 45.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), đóng góp hơn 60% vào GDP. Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế, thể hiện cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đang có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “ Mặc dù các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng niềm tin đang trở lại và nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ rằng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng khá tốt. Tôi nghĩ rằng niềm tin như vậy sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, thúc đẩy bởi những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và các nỗ lực mở cửa thị trường trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết”.

 

Tính đến hết tháng 6/2015, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây, đóng góp vào mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ, từ đó tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường; đồng thời, giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Từ nay đến cuối năm, dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ, các doanh nghiệp có những sự thay đổi, nỗ lực hơn nữa nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp được dự báo sẽ khó do hạn hán, thiên tai ảnh hưởng đến năng xuất cũng như xuất khẩu. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Rủi ro lớn nhất về khách quan là thiên tai, đã ảnh hưởng đến nông nghiệp, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Thiếu nguồn nước không chỉ nông nghiệp mà công nghiệp, dịch vụ cũng khó khăn, bởi vì, điện, nước là cơ sở để cho đời sống sinh hoạt. Cho nên, khó khăn khách quan hiện là rất lớn. Năm nay hiện tượng Elnino và nắng nóng bất thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngành nông nghiệp, đây là cái khó lớn nhất hiện nay”.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 phấn đấu đạt từ 6,2% trở lên để hoàn thành mục tiêu Quốc hội đã đặt ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã xây dựng ba kịch bản cho sự tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nếu nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do hạn hán; tình hình khai thác dầu thô vẫn như 6 tháng qua, tăng trưởng khó đạt được mục tiêu 6,2% mà Quốc hội đặt ra. Kịch bản thứ 2, nếu nông nghiệp vẫn khó khăn nhưng Việt Nam có chính sách đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, khả năng vẫn đạt được mục tiêu là 6,2%. Kịch bản thứ ba là tăng trưởng vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực, linh hoạt của các bộ ngành, đặc biệt là chính sách tiền tệ tài khóa và các biện pháp ngăn chặn được nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định: “Kịch bản thứ hai nhiều khả năng đạt được, vì vừa qua, Bộ Công thương đã ký với Hàn Quốc một hiệp định thương mại mà Việt Nam sẽ xuất khẩu hàng thủy sản sang Hàn Quốc nhiều hơn so với những năm trước. Thứ hai là hi vọng cuối năm nay, vào dịp Noel, thị trường Châu Âu sẽ nhập hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt hàng thủy sản để chuẩn bị cho dịp tết thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng. Từ giờ đến cuối năm, Chính phủ tập trung chỉ đạo để làm thế nào tạo điều kiện tốt cho nông nghiệp và có những giải pháp để tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu thì bức tranh kinh tế của chúng ta sẽ có khả quan”.

 

Mặc dù trong ngắn hạn có thể thuận lợi, song tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với những rủi ro trong dài hạn. Vì vậy, để khôi phục tăng trưởng trong năm nay và những năm tới đây, Chính phủ đã và đang có những chính sách linh hoạt về tiền tệ, tài chính. Đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và xoá bỏ những rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác