(VOV5) - Hiện, trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 thị trường trên thế giới, nhiều loại trái cây đã khẳng định được thương hiệu tại các thị trường lớn.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Là vùng xuất khẩu trái cây lớn nhất cả nước, thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, tập trung, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái để phục vụ nhu cầu của các đối tác nhập khẩu. Với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 370.000 ha, nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tập trung xây dựng thương hiệu để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Lô thanh nhãn xuất khẩu có trọng lượng 1,2 tấn của Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: Kim Anh. |
Với diện tích trồng thanh nhãn gần 70 ha tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden, với 11 thành viên đang xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Australia.
Theo ông Trần Phước Sơn, thành viên Tổ hợp tác, quy trình canh tác được tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đồng nhất về kích cỡ: "Chúng tôi quan tâm đến xây dựng chất lượng. Nếu có chất lượng tốt thì mình không lo gì sản phẩm của mình không được thị trường tìm đến. Vì vậy, chúng tôi xây dựng các mô hình làm theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm muốn cạnh tranh được thì không còn cách nào khác hơn là mình vừa cải tiến kỹ thuật, nhưng phải làm theo hướng sạch, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính."
Diện tích cây ăn trái của Cần Thơ đang được mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương đang tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng sản xuất cây ăn trái để hình thành các vùng chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình canh tác bền vững, gắn kết với doanh nghiệp để nông sản có đầu ra ổn định: "Trong mấy năm gần đây, vấn đề liên kết, tiêu thụ đặc biệt trong ngành hàng cây ăn trái ở thành phố Cần Thơ diễn ra hết sức sôi động. Nhiều loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, như: sầu riêng, vú sữa, nhãn…, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Khi thiết lập mã vùng trồng thì các doanh nghiệp đều mong muốn liên kết với nhau, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho thị trường xuất khẩu."
Trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp lớn vào xuất khẩu chung của Việt Nam. Hiện nay, diện tích cây ăn trái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 370.000 ha, trong đó, tỉnh Tiền Giang với diện tích lớn nhất là hơn 80.000 ha, còn lại các địa phương Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp có diện tích vườn cây ăn trái từ 25.000 đến 50.000 ha.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Ảnh: Báo Nông nghiệp |
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết các vùng chuyên canh tập trung đang gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp trong bao tiêu, xuất khẩu. Nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, liên kết để nông sản ổn định đầu ra, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện nhiều loại cây ăn trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được các nhà vườn rải vụ thành công, điều này đã làm giảm áp lực mùa vụ, giúp cho doanh nghiệp có hàng để tham gia ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: "Trước đây, xuất khẩu theo mùa, bây giờ mình làm rải vụ cây ăn trái ra hết các tháng trong năm, điều đó duy nhất Đồng bằng sông Cửu Long mình làm được ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, 30-45% là rải vụ một số loại cây, còn lại là chính vụ, trong đó có cây sầu riêng mà Thái Lan đang qua Việt Nam để học cách rải vụ của mình. Nói chung là chúng ta đang có rải vụ trên tất cả các loại trái cây."
Hiện, trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 thị trường trên thế giới, nhiều loại trái cây đã khẳng định được thương hiệu tại các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp rất lớn trong xuất khẩu trái cây của Việt Nam (8 tháng qua đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước).
Tại cuộc họp báo mới đây tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung lớn nhất: "Các loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, thanh long... rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nông sản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị nông sản nhập."
Khi nhiều lô hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã cho thấy ngành hàng trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển mình để thích nghi, đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác nhập khẩu. Với thế mạnh về nông nghiệp, các địa phương đang quy hoạch lại vùng sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Cùng với đó, có chiến lược thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến trái cây để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị cho ngành trái cây toàn vùng, khẳng định giá trị thương hiệu trái cây Việt Nam.