(VOV5) - Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và đầu tư) công bố hôm 29/6 cho biết 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước đạt 3,72%. Mức tăng trưởng này cho thấy nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam là khu vực dịch vụ. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Khu vực dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống đều có mức tăng trưởng cao.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: dangcongsan.vn |
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đã có mức tăng trưởng rất tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
Trong khi đó, tiêu dùng nội địa là điểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đánh giá: "Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Người tiêu dùng cũng rất hào hứng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước".
Nhiều chỉ số sau quãng thời gian dài giảm, đến những tháng cuối quý II đã ghi nhận mức tăng tuy không nhiều nhưng cũng cho thấy sự chuyển biến không nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Quý II, các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ nhỏ cho đến những vướng mắc lớn".
Khó khăn chung đã khiến kinh tế Việt Nam chưa như kỳ vọng, nhưng về căn bản sự ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực gỡ khó cũng đã giữ được các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan vào kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về tình hình trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương dự báo kinh tế - xã hội quý 3 năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên thách thức cũng có thể chính là cơ hội nếu chủ động và có giải pháp đúng, kịp thời để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.