(VOV5) - Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng (trên 21,4 tỷ USD).
Ngay từ đầu năm mới, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, 1 điểm sáng nổi bật ngay từ tháng đầu năm nay của kinh tế Việt Nam là sản xuất công nghiệp.
Ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 60/63 tỉnh thành trên cả nước. Cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng (trên 21,4 tỷ USD), tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng đầu năm nay ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng (1,27 tỷ USD) tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định: “Về đầu tư tư nhân, đã có sự cải thiện đáng kể. Đây là phần cầu rất quan trọng của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công cũng gia tăng, là điểm sáng giúp tăng cầu đầu tư, tăng cầu của Chính phủ. Đây là những điểm sáng để thấy rằng có những yếu tố để chúng ta kỳ vọng vào một năm 2024 tốt đẹp hơn”.
Nhiều tổ chức quốc tế thời gian qua đưa ra nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, theo đó hầu hết đánh giá Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 6%. Thậm chí, một số dự báo cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 6,7%, cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam đặt ra trong năm nay.