Kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2016

(VOV5) -  Các chuyên gia kinh tế nhận định trong từ 2016, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới dần có hiệu lực nhiều hơn, điều này tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam, nhưng cũng có những thách thức.


Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng đứng thứ 3 trong khu vực sau Ấn Độ và Trung Quốc. Quý I/2016, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 5,46%, mặc dù không cao bằng năm ngoái là 6,12%, nhưng vẫn có những điểm sáng nhất định. Mức tăng trưởng này được đánh giá là ổn định so với bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực hiện tại. Với chu kỳ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong Quý II/2016 sẽ cao hơn quý trước và càng về cuối năm, mức độ tăng trưởng sẽ cao hơn, có thể đạt khoảng 6,6-6,7% năm nay.


Kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2016 - ảnh 1
(Ảnh minh họa: KT)


Theo Tổng cục Thống kê, Quý I năm nay là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP 5,46% cũng là dấu hiệu tích cực. Các chuyên gia kinh tế nhận định trong từ 2016, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới dần có hiệu lực nhiều hơn, điều này tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam, nhưng cũng có những thách thức. Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng:"Trong thời gian tới chúng ta sẽ có một số yếu tố thuận lợi để đạt được tốc độ tăng trưởng này. Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ phục hồi và thứ 2 chúng ta đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do và sẽ được triển khai trong thời gian tới như TPP và các hiệp định thương mại với EU và Liên minh kinh tế Á-Âu... Đây là xung lực cho thương mại đồng thời cho cả đầu tư".

Để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp lớn. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành công nghiệp khai khoáng. Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng, giải pháp cần nhất vẫn là phải tăng nội lực của nền kinh tế. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho rằng: nếu Chính phủ và các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn thì vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra: "Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,7%, chúng tôi dự kiến ngành nông lâm nghiệp và thủy sản phải đạt 2,5%. Thứ hai, 9 tháng còn lại mà ta có các chỉ đạo quyết liệt về các chính sách về nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tốt mà sản xuất của khu vực chế biến chế tạo tăng được 12-13% cả năm thì nó cũng có những đóng góp cho tăng trưởng vào cuối năm. Khu vực dịch vụ giữ được đà tăng trưởng khá từ nay đến hết năm. Kết hợp các yếu tố đấy mà đạt được thì kỳ vọng mức tăng trưởng của cả năm 2016 sẽ đạt được".

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế của cả năm được dự báo sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi, tuy nhiên, theo Báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực, dựa trên 3 động lực chính là: đầu tư trực tiếp nước ngoài, niềm tin của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, cho rằng tăng trưởng GDP trong quý I năm nay của Việt Nam tuy ở mức thấp nhưng chưa phải thấp đột biến mà chỉ là một phần thường xuyên trong chu kỳ tăng trưởng GDP cả năm. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ ổn định trong năm nay với mức tăng trưởng 6,7% và lạm phát ở mức 3%.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác