(VOV5) - Kinh tế biển xanh phải dựa trên việc áp dụng các công nghệ, khi can thiệp vào quá trình phát triển kinh tế biển là những công nghệ thân thiện với môi trường.
Nghị quyết 36/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước. Nghị quyết 36 cũng định hướng phát triển nền kinh tế biển xanh, bền vững. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết, nhiều tỉnh thành ven biển đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển của địa phương tiến tới phát triển bền vững. Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội Khóa XV về nội dung này từ thực tế của tỉnh Khánh Hòa.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam. |
PV: Có thể nói “Nghị quyết 36 là Quyết sách phát triển bền vững kinh tế biển”. Thưa PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, trước hết, ông đánh giá về tiềm năng và lợi thế vượt trội của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế biển?
PGS. TSKH Nguyễn Chu Hồi: Tỉnh Khánh Hòa có tính biển cao nhất. Khánh Hòa có trong vùng biển hơn 200 đảo, là tỉnh có mật độ đảo lớn nhất. Trong đó 2 đảo lớn, diện tích trên 30 km2 và đây là những đảo lớn nhất ở miền Trung. Khánh Hòa có một vị thế đặc biệt là có huyện đảo Trường Sa mà Khánh Hòa được giao sứ mệnh quản lý và khai thác. Đây là trung tâm phát tán nguồn lợi và duy trì nghề cá không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực, các nước trong Biển Đông.
Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 300 cây số, có nhiều vũng, vịnh. Mật độ vũng vịnh ven bờ cũng cao nhất ở khu vực miền Trung. Các vịnh đều rất đặc biệt có giá trị mang tính chất toàn cầu. Vịnh Vân Phong là vịnh duy nhất ở Việt Nam và cũng rất hiếm trên thới giới không có con sông lớn nào chảy vào. Vịnh Cam Ranh với độ sâu tự nhiên và địa hình rất đặc biệt. Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới rất có giá trị mà chúng ta cần phải bảo vệ.
Tiềm năng lợi thế vượt trội về biển để Khánh Hòa có thể phát triển kinh tế biển một cách tốt nhất, trong đó có cả dầu khí. “Bồn trũng” Phú Khánh là một trong 7 “bồn trũng” dầu khí ở Việt Nam.
Với những cảnh quan đặc biệt của vùng bờ biển Khánh Hòa cũng như cảnh quan của các rạn san hô, Khánh Hòa có tiềm năng du lịch rất độc đáo. Khánh Hòa được xác định là một trong những tỉnh phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế đi đầu và đồng thời cũng là một ngành kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh một cách dễ dàng nhất.
Vịnh Nha Trang là một trong số những vịnh đẹp thế giới. |
PV: Thưa ông! Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về phát triển kinh tế biển, ông có thể nói rõ hơn về “kinh tế biển xanh, bền vững”?
PGS. TSKH Nguyễn Chu Hồi: Trong NQ 36/2018 ghi rất rõ quan điểm về phát triển kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng của phát triển kinh tế biển xanh và phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam. Những yếu tố này, tôi nghĩ Khánh Hòa có những tiềm năng lợi thế, bởi có những nét văn hóa riêng của miền Trung, của văn hóa biển. Cho nên kinh tế biển xanh là một nền tảng mà chúng ta cần phải tạo dựng.
Kinh tế biển xanh suy cho cùng về bản chất là lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển bao gồm các tài nguyên, đặc biệt là các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển, kể cả những tài nguyên vi sinh vật. Ví dụ chúng ta có dầu khí, các nguyên liệu, vật liệu, băng cháy...Chúng ta khai thác làm sao phải bền vững, tiết kiệm các nguồn tài nguyên để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh thực phẩm cũng như bảo đảm cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.
Điểm thứ hai là kinh tế biển xanh phải dựa trên việc áp dụng các công nghệ, khi mình can thiệp vào quá trình phát triển kinh tế biển là những công nghệ thân thiện với môi trường.
Thứ ba, nếu như chúng ta có các nguồn vốn tự nhiên không được phục hồi, đang bị suy thoái thì chúng ta phải tiến hành phục hồi để giữ được nguồn vốn này, để đem lại giá trị. Chúng ta phát triển những ngành kinh tế thân thiện với môi trường. Ví dụ nhưng năng lượng biển tái tạo, như dược liệu biển, như nghề cá giải trí...
Khánh Hòa có nét văn hóa đậm chất biển. |
PV: Với đặc thù của Kinh tế biển Khánh Hòa, có rất nhiều điều cần làm. Ông có thể đưa ra đề xuất mà ông tâm đắc nhất?
PGS. TSKH Nguyễn Chu Hồi: Tôi cho rằng, trong kinh tế biển có nhiều lĩnh vực. Du lịch được xem là ngành kinh tế đi đầu. Khánh Hòa được xem là trung tâm kinh tế du lịch biển của cả nước đến năm 2030, rồi cảng biển v.v…
Trong Nghị quyết 36/2018 có ghi, lĩnh vực thứ 6 trong định hướng:“Phát triển năng lượng tái tạo và những ngành kinh tế biển mới”. Vậy ngành kinh tế biển mới của Khánh Hòa là gì? Tôi nghĩ rằng, bên cạnh những ngành kinh tế truyền thống như cảng biển, chúng ta có thể to nhỏ, rồi du lịch cũng rất là quan trọng nhưng cũng là ngành truyền thống. Thủy sản chúng ta cũng phát triển, chúng ta chuyển hướng ra nuôi biển. Tôi cho rằng, chúng ta phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn, nhờ bảo tồn mà chúng ta giữ được nó theo đúng Nghị quyết 36 thì mới bền vững, mới xanh.
Trong kinh tế bảo tồn thì chúng ta phải giữ được các nguồn vốn tự nhiên. Chúng ta phát triển được các ngành kinh tế thân thiện. Ví dụ các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ biển đóng ở Khánh Hòa rất nhiều. Chúng ta có thể mạnh dạn phát triển thêm các lĩnh vực kinh tế biển mới. Ví dụ như là nghề cá giải trí gắn vào du lịch, dược liệu biển...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!