(VOV5) - Tỉnh Quảng Trị hiện đã giao cho Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị làm chủ đầu tư dự án phát triển lúa hữu cơ.
Mới đây, lần đầu tiên lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, gồm các nước: Đức, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Pháp. Đây là bước ngoặt, mở ra triển vọng xây dựng vùng chuyên canh trồng lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu để ngành nông nghiệp Quảng Trị phát triển bền vững.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị trồng lúa hữu cơ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp triển khai sản xuất 20 ha với 80 hộ dân tham gia. Nông dân được hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ, mạ khay, máy cấy, máy bay không người lái để phun thuốc, máy gặt lúa và máy cuộn rơm. Quá trình từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đều có sự giám sát, hỗ trợ của nhà quản lý, doanh nghiệp. Bà con được đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Gạo xuất sang châu Âu với giá 1.800 USD/tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 30 triệu đồng (1.276 USD)/ha/vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống.
Gạo hữu cơ Quảng Trị được bảo quản tại kho. |
Ông Nguyễn Quốc, nông dân Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, cho biết: "Lúa hữu cơ nên không dùng thuốc, phân hóa học, đem lại nhiều lợi ích về môi trường, sức khỏe và thu nhập kinh tế so với sản xuất thông thường. Môi trường không bị ô nhiễm, ốc, cua, cá không bị hủy diệt, trong đất cũng không tồn đọng chất hóa học gây tổn hại lâu dài."
Tỉnh Quảng Trị hiện đã giao cho Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị làm chủ đầu tư dự án phát triển lúa hữu cơ. Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị làm việc với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam để liên kết sản xuất gạo hữu cơ xuất khẩu. Đơn vị còn hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa hữu cơ; nhập máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; lắp ráp dây chuyền sản xuất chế phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp dùng để trừ sâu cho cây lúa.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, cho biết: "Hiện tại, tỉnh Quảng Trị có khoảng 28.000 ha đất trồng lúa. Qua khảo sát của đơn vị tư vấn, toàn tỉnh hiện có khoảng 3000 ha đủ điều kiện để sản xuất lúa hữu cơ, chiếm khoảng 10% tổng diện tích, bởi vì quy trình trồng lúa hữu cơ đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Mình hợp tác với người dân vì bà con có đất, họ chỉ làm đất ban đầu còn lại các công đoạn khác, công ty làm hết. Lúa hữu cơ khi thu hoạch đưa vào xay xát cũng đảm bảo các điều kiện, quy trình, nhiều công đoạn nghiêm ngặt mới được công nhận gạo hữu cơ."
Gạo hữu cơ tỉnh Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B, là những chất có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì. Đây chính là ưu điểm vượt trội, lợi thế cạnh tranh của gạo hữu cơ tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Lúa hữu cơ Quảng Trị đã và đang có vị thế khá lớn trên thị trường. Người dân trên địa bàn cũng đã dần ý thức thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình mở rộng vùng nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu để phát triển sản xuất nông sản và lúa hữu cơ."
Hiện, tỉnh Quảng Trị có 200 ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Mỗi tháng, tỉnh Quảng Trị xuất khẩu từ 30 tấn đến 50 tấn gạo hữu cơ sang thị trường châu Âu. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu các sản phẩm từ lúa để xuất khẩu. Tỉnh cũng đang hướng tới hình thành vùng chuyên canh lúa hữu cơ, mở rộng sản xuất lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.