(VOV5) - Nếu Nhật Bản có gốm sứ Noritake, Trung Quốc có gốm sứ Phúc Kiến, thì Việt Nam có gốm sứ Bát Tràng. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân Bát Tràng nói riêng mà là cả Việt Nam nói chung. Hiện nay, gốm sứ Bát Tràng đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng. Làm thế nào để giữ vững thương hiệu và đưa thương hiệu Việt vươn xa là câu chuyện kinh doanh của Phạm Thế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Long nhan đề: Doanh nghiệp thành đạt phải hướng đến cộng đồng.
Nghe âm thanh tại đây:
Sang làng Gốm Bát Tràng nhiều lần nhưng tôi vẫn cảm thấy bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của Gốm từ sản phẩm đến cách bài trí, bày biện gian hàng và đặc biệt là toàn bộ không gian của văn phòng cũng như nơi sản xuất của Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Long.
|
Bị mê hoặc bởi những chiếc giá bầy sản phẩm mà tôi đã đi qua cả khu vực văn phong để tới nơi sản xuất. Và càng ngạc nhiên hơn bởi một không gian làm việc rộng, thoáng, sạch sẽ chứ không như những gì tôi tưởng tượng. Đang cẩn thận chuốt lại chiếc ấm trên tay, chị Chử Thị Quyên cho biết đã gắn bó với công ty được gần 11 năm, công việc của chị là làm men và chuốt sản phẩm trước khi đem vào lò nung. Chị kể: "Làm ở đây đòi hỏi ký thuật cao, hàng xuất đi Nhật nên cần rất cẩn thận từng chi tiết một. Mình chuốt khi hàng kho thì có một tổ vệ sinh, rồi đưa vào lò nung ở nhiệt độ 900 độ để xương đất cứng hơn và khi làm sản phẩm vào men sẽ không bị bục. Sau khi làm men sau lại cho vào lo dốt chín ở nhiệt độ 1.200 độ. Để có một sản phẩm đẹp thì mỗi công đoàn đều phải làm vệ sinh hàng, nếu màu chưa được phải chỉnh sủa để khi lên hàng không còn một lỗi nhỏ. Nói chung làm ở đây thu nhập ổn, ngày lễ tết được nghỉ và có chế độ. Không gian làm việc không khó nhọc".
|
Ngược dòng thời gian và cũng là để hiểu thêm về con đường lập nghiệp của một ông chủ thế hệ 7X, trò chuyện với Phạm Thế Anh được biết: Cũng như bao người con của đất Bát Tràng, vốn sinh ra ở làng nghề truyền thống với một bề dày về lịch sử văn hóa lại là con một ông chủ sản xuất gốm sứ nên ngoài nghề cha truyền con nối thì Phạm Thế Anh còn có một tình yêu đặc biệt với Gốm và anh luôn có một khát khao đưa Gốm Việt ra thị trường thế giới. Đó là lý do năm 1993 Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Long ra đời. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp với biết bao thăng trầm, Phạm Thế Anh tâm sự: "Sinh ra ở làng gốm, sống với gốm và tôi không thể xa gốm.Tôi có nguyện vọng nối tiếp sự nghiệp của cha ông do vậy tôi duy trì những cái cha ông để lại cho tới hôm nay. Lúc đầu lập nghiệp cũng phải trải qua người thợ, những sản phẩm ra lo cũng hỏng nhiều và chưa đạt được yêu cầu,nên những mẻ đầu hỏng nhiều và mất mát cũng nhiều. Vì thế cũng phải học hỏi từ truyền thống của các cụ để lại, rồi mình tìm tòi cách pha trộn, rồi học hỏi kỹ thuật hiện đại tìm ra một phương pháp riêng. Và tôi rất hạnh phúc khi những mẻ lò đầu tiên ra đời đạt chất lượng.Sản phẩm được đưa ra thị trường thì chúng tôi có những đơn hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và với các thì trường đó, chúng tôi đều đáp ứng được".
|
Giữ được thương hiệu trong nước đã là khó, làm sao đưa hàng Việt ra nước ngoài là bài toán mà nhiều doanh nghiệp trong nước chưa tìm được lời giải, chứ chưa nói đến việc giữ được thị phần của hàng Việt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là những nước mà mặt hàng Gốm Sứ được cả thế giới biết đến như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Bởi trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, các sản phẩm, trong đó có Gốm sứ tràn vào Việt Nam ồ ạt, giá cả cạnh tranh, chính vì vậy mà mỗi doanh nghiệp đều phải tìm cho mình hướng đi riêng, vừa đảm bảo chất lượng, giá thành lại luôn phải có thiết kế mới, mẫu mã đẹp hướng tới người tiêu dùng. Với sự năng động sáng tạo của một người trẻ dám nghĩ, dám làm, Phạm Thế Anh đã tìm cho mình những bước đi thích hợp. Phạm Thế Anh chia sẻ: "Lúc đầu gặp khó khăn khi xuất khẩu vì nguyên tắc làm việc và vì nhiều lý do nhưng là tôi đã tìm cách nắm bắt thị trường, cũng như hiểu được đối tác của mình muốn gì và luôn nỗ lực. Rất may là chỉ trông thời gian ngắn Gốm sứ Hoàng Long đã đến và trở thành thương hiệu được người tiêu dùng Nhật bản ưa chuộng. Trong năm 2015 mặc dù kinh tế khó khăn, thị trường hạn hẹp nhưng chúng tôi không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn xuất khẩu được trên dưới 40 contener đi các thị trường. Sau khi sản phẩm đặt chân tới các nước thì được phản hồi rất tốt".
|
So với Gốm sứ của các nước thì Gốm Bát Tràng có những đặc điểm nổi trội là về màu sắc và họa tiết trên Bộ ấm chén Bát Tràng được làm thủ công nên những nét vẽ rất uyển chuyển, rõ từ nét thanh, nét đậm, nét to, nét nhỏ và các mẫu vẻ thường không lặp lại. Màu sắc đơn gian, trang nhã, chân phương và thường được bao bọc bởi một lớp men bên ngoài nên hoa văn rõ nét.
Do cấu tạo của xương đất mà gốm sứ Bát Tràng rất bền, chịu nhiệt và chắc chắn. Đặc biệt quy trình sản xuất cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Anh Nguyễn Quý Toán, quản lý dây chuyền sản xuất của công ty Gốm sứ Hoàng Long chia sẻ:" Ban đầu là đất thô, đất cục cho vào bình nghiền rồi lọc, rồi phơi, đánh hồ, đổ lót, rồi tiện, tróc, truốt rồi vệ sinh hoàn thiện để đưa vào sơn nung. Sau khi nung song thì làm men rồi vào lò đun chín. Mỗi một tổ có một người chịu tách nhiệm chín. Ở đây môi trường làm việc thoáng mát, đảm bảo vệ sinh".
|
Có đến và tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất của công ty THHH Gốm sứ Hoàng Long mới thấy được hết sự chỉn chu, cẩn trọng của các kỹ sư, công nhân trong từng chi tiết, từng công đoạn sản xuất. Sự năng động, quyết đoán trong công tác quản lý điều hành, nhưng cũng cho tôi một cảm nhận ấm áp về tình người trong một môi trường làm việc không phân biệt giữa chủ và thợ, giữa Doanh nghiệp với khách hàng. Còn với ông chủ trẻ Phạm Thế Anh thì bí quyết thành công của một doanh nghiệp thật đơn giản. Anh nói: "Quan niệm của tôi một doanh nghiệp thành đạt là một doanh nghiệp phải biết hướng đến cộng đồng, hướng tới những gì mà đất nước chúng ta trải qua, Chúng tôi cũng có những bước ngoặt mới và tham gia vào nhiều chương trình từ thiện. Cùng với hoạt động kinh doanh chúng tôi cũng chăm lo cho hơn 60 gia đình công nhân đã gắn bó với công ty chúng tôi gần 20 năm rồi. Những ngày Lễ tết chúng tôi có quà cho trẻ nhỏ và các gia đình có bố mẹ già. Gặp mặt cuối năm với tất cả công nhân trong công ty. Năm tới chúng tôi chủ trương phát triển mở rộng ở thị trường Nhật Bản và đánh thẳng vào thị trường Trung Quốc với dòng sản phẩm độc quyền gốm sứ Hồng Sa. Tôi tin mình sẽ chinh phục được thị trường Trung Quốc vì hiện tại đã có một số đối tác Trung Quốc đang bắt đầu triển khai làm mẫu".
|
Bằng sự sáng tạo, năng động và luôn nỗ lực để có những bước đột phá trong chiến lược sản xuất kinh doanh, hy vọng Gốm sứ Hồng Sa mang thương hiệu của Công ty TNHH Hoàng Long sẽ có mặt không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn đến với người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, nơi mà các sản phẩm Gốm Việt mang thương hiệu Hoàng Long đã có mặt trong nhiều năm qua.