Nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam


(VOV5) - Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức tài chính trung gian, nhà đầu tư… đã chung tay xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát, nâng cao tính minh bạch của thị trường, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Mới đây, Nghị định 08 năm 2023 của Chính phủ đã đưa ra 2 nhóm giải pháp. Một là cho phép doanh nghiệp hoán đổi nợ trái phiếu sang trả bằng tài sản khác để giải quyết vấn đề đáo hạn trước mắt và đàm phán với trái chủ, kéo dài kỳ hạn để tái cơ cấu nợ.

Nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa: vov.vn

Hai là ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023, để tăng khả năng thành công của các đợt huy động mới. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng: "Hai nhóm chính sách của Nghị định trước mắt tháo gỡ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, đồng thời có thời gian nâng tầm theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn, để doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn. Tinh thần chung là doanh nghiệp phải nâng tầm, đáp ứng các chuẩn mới, hướng tới chuyên nghiệp và minh bạch hơn".

Việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian qua. Đơn cử như trong 4 năm qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.  Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, công tác quản lý, giám sát, đảm bảo tính công bằng trên thị trường chứng khoán là tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường: "Sẽ sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến quản lý giám sát, phù hợp bối cảnh mới. Đặc biệt, sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện giám sát tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI), tăng cường khả năng giám sát của cơ quan quản lý, sở giao dịch, các tuyến từ Công ty chứng khoán, sở đến ủy ban, nhiều tầng giám sát đảm bảo thị trường minh bạch hơn".

Song song với đó, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo về tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ trên thị trường chứng khoán, thể hiện sự quyết tâm về việc lành mạnh hóa thị trường. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: "Sẽ nâng cao các chế tài xử phạt. Mặc dù trong Luật Chứng khoán hiện nay đã quy định mức xử phạt vi phạm cao so với mặt bằng chung, tối đa hành chính là 3 tỷ đồng (khoảng 130.000 USD) với tổ chức, 1,5 tỷ đồng (gần 60.000 USD) với cá nhân, nhưng diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy mức phạt này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; cần có quy định mang tính chất đột phá hơn nữa. Từ đó mới có thể kỳ vọng khôi phục niềm tin, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch và bền vững".

Sự minh bạch của thị trường giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, từ đó đưa thanh khoản của thị trường ngày càng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác