Ngành Cơ khí Việt Nam – Vượt khó để phát triển và hội nhập quốc tế

(VOV5) - 10 năm qua ngành Cơ khí Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển, từng bước hội nhập với ngành Cơ khí thế giới. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngành cơ khí Việt Nam đang chủ động tìm hướng đi lên, đón nhận cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Ngành Cơ khí đang là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Năm 2014, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí trên tổng giá trị ngành cơ khí, đạt trên 32%, vượt chỉ tiêu là 30%. Một số phân ngành cũng đã có sự chuyển biến đáng kể. Trong đó về thiết bị toàn bộ, trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất 30.000 tấn/năm… Thiết bị ngành điện đã sản xuất được máy biến áp đến 500 KVA và các thiết bị trạm biến áp đến 220kV. Riêng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho nhu cầu trong nước.

Ngành Cơ khí Việt Nam – Vượt khó để phát triển và hội nhập quốc tế - ảnh 1
Nghiên cứu và chế tạo khuôn đúc tại Tổng công ty CP Thép Bắc Việt (Quế Võ, Bắc Ninh). Ảnh: nhandan.com.vn


Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, doanh nghiệp cơ khí sản xuất linh kiện máy móc phục vụ các công trình thủy điện, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp, trong khi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ngành cơ khí phải phát triển đồng đều các khâu: thiết kế, tạo khuôn mẫu, gia công - cắt gọt, nhiệt luyện và lắp ráp: Nhiều doanh nghiệp trong đó có công ty chúng tôi đầu tư phát triển công nghệ để bắt kịp các nước trong khu vực. Nhà nước có chủ trương rất lớn và đúng đắn để phát triển ngành cơ khí nhưng do nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa phát triển xứng tầm.

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí Việt Nam, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp tăng theo từng năm, từ 16% năm 2002 lên 25,1% năm 2010. Với các Hiệp định tự do thương mại đã, đang và sắp ký kết, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ công nghệ.

Ngành Cơ khí Việt Nam – Vượt khó để phát triển và hội nhập quốc tế - ảnh 2
Ngành cơ khí Việt Nam đang có nhiều thách thức trước hội nhập. Ảnh:DANH LAM.


Để ngành cơ khí có thể phát triển được như kỳ vọng, trước mắt, cần thực hiện đầu tư có trọng điểm, xác định các nhóm ngành ưu tiên phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Đặc biệt là những ngành có dung lượng thị trường lớn, bảo đảm tính thương mại ổn định như cơ khí ô tô, cơ khí nông nghiệp, cơ khí sản xuất thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí; tiến tới hình thành tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác chế tạo các sản phẩm cơ khí chế tạo máy và thiết bị toàn bộ. Bên cạnh đó, nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất hiện đại. Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho rằng: Hiện nay chúng tôi đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận một số cơ chế để cho ngành cơ khí phát triển. Ví dụ trong cơ chế nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện. Chúng ta sẽ có một dung lượng thị trường cơ khí chế tạo rất lớn với hàng chục tỷ USD trong thời gian sắp tới. Nếu thực hiện thí điểm thành công các dự án này thì trình độ của các doanh nghiệp cơ khí chúng ta sẽ được nâng lên một bước.

Định hướng phát triển ngành cơ khí đến năm 2025 đặt mục tiêu đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và chiếm tỷ trọng 21% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đạt được mục tiêu này, cần phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về đầu tư, vốn vay, đất đai. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp trong ngành cơ khí cũng cần tự lực, liên kết với nhau tốt hơn nữa mới có thể phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác