(VOV5)- Là một trong 5 quốc gia xuất khẩu giày lớn của thế giới, nhưng hiện tại nguyên liệu phục vụ sản xuất cho ngành da giày Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Để tháo gỡ những khó khăn này, ngành da giày Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá để gia tăng giá trị trong từng sản phẩm. Đây cũng được xem là nhiệm vụ trong tâm của ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới.
Hơn 10 năm trở lại đây, da giày là một trong 5 ngành luôn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Năm 2012 này, dù gặp nhiều khó khăn, song ngành da giày ước tính vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu da giày của Việt Nam hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi do thị trường thế giới có nhiều biến động và Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Sản xuất giày tại công ty Bita's - Ảnh: SGGP online
Cho đến nay việc cung ứng nguyên liệu cho sản xuất trong nước mới chỉ chiếm 40-45%, chủ yếu vẫn là đế giày và chỉ khâu giày.. trong khi nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành giày da là các sản phẩm da thuộc và da nhân tạo thì Việt Nam vẫn phải nhập tới 70% từ nước ngoài. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu làm cho năng lực cạnh tranh các sản phẩm giảm xuống.
Để giải quyết vấn đề này, ngành da giày Việt Nam đang hướng tới việc liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu để chủ động trong xuất khẩu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam, cho rằng: “Chuỗi cung ứng nguyên liệu có phần liên kết ở trong nước và liên kết với các nhà cung ứng sản xuất ở ngoài nước. Với sự phát triển của ngành, các doanh nghiệp lớnhiện nay có điều kiện thu hút các vệ tinh, các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu cùng tham gia vào quá trình sản xuất này”
Trong đề án phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, vấn đề phát triển chuỗi cung ứng được ngành da giày đặc biệt quan tâm. Việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hoá được xem là nhiệm vụ trong tâm trong những năm tới. Thực tế việc tăng cường nâng dần tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp da giày nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn là giải pháp để các doanh nghiệp da giày tận dụng cơ hội hiệp định thương mại tự do ( FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Đến thời điểm này Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do FTA. Đa phần các hiệp định thương mại này đều có mức thuế ưu đãi, nhất là thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên muốn được hưởng mức thuế ưu đãi này, các doanh nghiệp cũng phải đạt các tiêu chuẩn theo Hiệp định FTA và một trong những điều kiện đó là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, các doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc của nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất đó phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây nguy hiểm cho người sử dụng..
Muốn thực hiện tốt các điều khoản này, các sản phẩm cần phải tăng tỷ lệ nội địa hoá lên và từ đó các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc cung ứng nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập. Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội da giày, Việt Nam cho biết thêm:“ Trong cạnh tranh cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt các tiêu chuẩn về môi trường tiêu chuẩn hạn chế sử dụng các chất độc hại, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội..Đó đang là vấn đề các doanh nghiệp bao giờ cũng phải ưu tiên hàng đầu, nhất là khi đàm phán mong muốn sẽ mở cửa thị trường”
Hiện nay Việt Nam đang đàm phán ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU). Đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu da giày. Điều này đòi hỏi ngành cung ứng da giày phải có bước phát triển nhanh chóng để không bỏ lỡ cơ hội khi hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU chính thức được ký kết. Ông Triệu Đình Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ công thương, cho biết:“Tỷ lệ sử dụng Hiệp định FTA của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng và một số Hiệp định chúng ta đã khai thác được trên 90% cam kết của Hiệp định này. Đối với hàng da giày của Việt Nam thì EU là thị trường lớn chiếm gần 50% xuất khẩu, Hoa Kỳ chiếm khoảng 20%.. Khác với các ngành khác, giá trị gia tăng từ nội địa cần phải tăng lên để đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ”
So với một số ngành khách như dệt may, ô tô, điện tử..thì tỷ lệ nội địa hoá của ngành da giày có phần tốt hơn, trong khi ngành dệt may tỷ lệ nội địa hoá mới đạt khoảng 20%, thì ngành da giày hiệm chiếm khoảng 40%, đây cũng là lý do để ngành da giày tận dụng dụng tốt hơn cơ hội của hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết hướng tới mục tiêu mở rộng tăng cường xuất khẩu và phát triển bền vững hơn trong tiến trình hội nhập./.