(VOV5) - Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để hội nhập thị trường thế giới.
Sắp tới, Việt Nam sẽ tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại quan trọng như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Việt Nam- EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu. Trước bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để hội nhập thị trường thế giới. Nhằm tận dụng lợi ích mà các Hiệp định mang lại, ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra nhiều giải pháp để nắm bắt cơ hội, giữ vững đà tăng trưởng.
Nghe âm thanh tại đây:
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 12,8 tỷ USD. Hiện nay, dệt may đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên với nhiều chính sách phát triển. Ngành dệt may Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội trong tương lai gần khi Việt Nam kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết một số Hiệp định thương mại lớn. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này. Với thị trường Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương được ký kết, thuế suất sẽ giảm dần và các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần.
Cùng với đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết hồi cuối tháng 5 vừa qua có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên, và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế và nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Hòa, đại diện công ty may xuất khẩu DHA, cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị nhiều bước. Thứ nhất, về mặt sản phẩm, chúng tôi nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với thị trường Nga cũng như ưu thế, lợi thế của mình. Thứ 2, chúng tôi tìm kiếm các đối tác để mua vật tư để có thể làm ra những sản phẩm đạt được yêu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu về xuất xứ, đáp ứng được yêu cầu của nước bạn và đạt được mức thuế thấp”.
|
Để tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, các doanh nghiệp dệt may phải vượt qua không ít thách thức. Ảnh: vov.vn |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đã mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành dệt may. Điều này giúp cho sản phẩm dệt may không những có chỗ đứng vững chắc trên thị trường truyền thống, mà còn mở ra nhiều cơ hội ở các thị trường mới và dệt may Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 28,5 tỷ USD trong năm nay. Về triển vọng phát triển của ngành dệt may trước một các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Liên minh Kinh tế Á-Âu là thị trường nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD hàng hóa dệt may một năm. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang khối này chỉ 320 triệu USD, thị phần của dệt may Việt Nam ở đó khoảng hơn 2%. Nếu tận dụng được lợi ích của Hiệp định bao gồm cả hàng rào thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan thì chắc chắn Việt Nam có thị phần khoảng 10% tại thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu trong 5 năm tới.”
|
Dệt vải xuất khẩu tại Công ty Thái Tuấn. Ảnh: CAO THĂNG |
Hiện số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là các Hiệp định thương mại tự do ngày càng có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi phải có mức độ cam kết sâu rộng cả về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ.... Về hướng khắc phục khó khăn và chuẩn bị cho việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, bà Đặng Kim Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong nước nước ngoài cũng như trong nước đầu tư khắc phục những điểm yếu. Thứ hai là phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để làm sao tận dụng được các thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy chúng ta mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”.
Các Hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi lớn đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam trong việc hội nhập và chinh phục thị trường thế giới. Đây là bước ngoặt và là cú hích lớn cho ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Để tận dụng tối đa lợi thế mà các hiệp định mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực hơn nữa và không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.