Nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, Quảng Ninh

(VOV5) - Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế bằng nghề nuôi thủy hải sản.  
Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh là một trong những huyện đảo lớn nhất Việt Nam, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, nằm phần lớn trên khu vực vịnh Bái Tử Long và một phần vịnh Hạ Long. Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế bằng nghề nuôi thủy hải sản. Đặc biệt vài năm lại đây, Vân Đồn được biết đến là nơi cung ứng các mặt hàng hải sản đặc trưng của địa phương như: tu hài, hàu chiếm phần lớn thị phần của miền Bắc Việt Nam. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Phát huy tiềm năng thế mạnh về biển, Vân Đồn lấy việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nằm trong vùng vịnh, sóng gió ít, độ mặn trong nước biển thấp, người dân Vân Đồn mạnh dạn nuôi nhiều loại như ghẹ, ốc nhảy, cá, tôm và giờ là tu hài và hàu. Ông Phạm Văn Thịnh, chủ bè nuôi tu hài ở Vân Đồn, cho biết nghề nuôi tu hài mặc dù đem lại thu nhập cao nhưng công chăm sóc cũng khá nhọc nhằn. Ngoài chọn nơi nuôi thả tốt, nghề nuôi còn phụ thuộc vào thời tiết: “Các cơn bão thường vào khoảng tháng 6 đến đầu tháng 8, tháng 9. Nếu ươm thế này sẽ bị ảnh hưởng còn nuôi dưới bãi không ảnh hưởng. Nhưng ươm thế này sóng to nó sẽ giật, tu hài cũng bị ảnh hưởng. Một ngày công việc của tôi toàn những việc không tên. Sáng làm lồng bè để kiểm tra, hôm sau cũng như thế, xem nó có bị dịch hay bị ảnh hưởng của lồng nào không”.  

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, Quảng Ninh - ảnh 1
Ông Phạm Văn Thịnh kiểm tra con giống

Dăm năm trở lại đây, đi đâu người dân Vân Đồn cũng nói về con tu hài và con hàu, 2 loại nhuyễn thể trở thành chủ đề chính trong cuộc sống của họ. Trung bình mỗi hộ gia đình ở đây đầu tư nuôi tu hài, hàu khoảng 2 đến 3 tỷ, nhiều lên đến 6, 7 tỷ đồng. Họ tự hào vì không ở đâu lại có nghề thả tiền xuống biển nhiều như vậy, nhưng bù lại nghề lại đem cho họ lợi nhuận rất cao: “
Thời gian cấy tu hài mất khoảng 1 năm rưỡi mới thu hoạch được. Thu hoạch rất cao. Khi thả xuống 100 con, tỷ lệ chết khoảng 50 – 60 con đã là được rồi. Thu hoạch nếu được như vậy thì người dân cũng dễ sống. Tính ra nuôi tu hài đạt tỷ lệ trong 1 năm, 1 lồng gồm 50 con giống, khi thu hoạch đạt 40 con đã thu hoạch gấp đôi”. 
Dù có kinh nghiệm trong nghề nuôi nhuyễn thể nhưng người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn vẫn gặp không ít trở ngại. Từ năm 2011 trở về trước, nghề nuôi tu hài, được đầu tư phát triển mở rộng, diện tích nuôi tu hài đã lên đến hàng nghìn ha. Có thời điểm nghề nuôi tu hài đã trở thành phong trào xoá nghèo, làm giàu ở Vân Đồn. Nhưng cuối năm 2011 dịch bệnh xảy ra đã xoá sổ gần hết diện tích nuôi tu hài, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, Quảng Ninh - ảnh 2
Một khu nuôi tu hài ở Vân Đồn

 Theo thống kê năm 2012, tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 200 tỷ đồng, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Các cấp chính quyền và người dân địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ những bất cập trong nghề nuôi trồng thủy sản ở đây. Khó khăn của người nuôi tu hài ở Vân Đồn là việc khó xác định nguồn dịch bệnh của tu hài và kỹ thuật nuôi tu hài để đạt được chất lượng cao. Ông Ngô Quang Hùng, chủ bè nuôi tu hài tại đảo Vân Đồn, cho biết: “
Chúng tôi học lẫn nhau vì bà con cả huyện này đều nuôi. Mình đi tham quan mô hình của người này người kia và học tập kinh nghiệm nuôi của họ. Nếu không có dịch bệnh thì không có vấn đề gì, phát triển tốt, nhưng do dịch bệnh thì gần như là trắng tay”. 
Từ con số hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng tu hài, đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng vài chục ha được các hộ dân đang nuôi thăm dò trở lại... Biết là khó khăn nhưng người dân không bỏ nghề, bởi biển Vân Đồn vẫn đem lại cho họ nguồn thu nhập dồi dào. Chính vì thế những người làm nghề nuôi trồng thủy sản trên biển Vân Đồn vẫn tiếp tục công việc này. Ông Thịnh cho rằng: “Ở đây thuận lợi hơn so với đi tàu đánh bắt xa bờ đó là mình ở gần bờ. Nuôi trồng vẫn có những cái hay hơn nhưng cũng rủi ro nhiều hơn. Nuôi trồng ở biển này rất khó, 1 năm rưỡi mới được thu hoạch nên mình cũng chỉ trông chờ vào nghề này thôi. 14 năm ở đây chưa bao giờ tôi vứt 1 viên than xuống biển. Mình sống ở đây phải giữ được như thế thì mới nuôi trồng được”. 

Để nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn tiếp tục phát triển ổn định, cùng với nuôi tu hài, người dân Vân Đồn còn mở rộng nuôi một số loại thủy sản khác như nghêu, ngao, ốc… và nuôi cá lồng bè thay thế cho tu hài. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã tạo được sự ổn định cho nghề nuôi trồng thuỷ sản nơi đây./.


Phản hồi

Các tin/bài khác