(VOV5) - Ngành Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Sáng 7/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo “Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước.”
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: baoquocte.vn
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định những thành tựu mà công tác ngoại giao kinh tế có được đến nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Bộ Ngoại giao tích cực tìm hiểu, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế, các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, từ đó tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong công tác hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Ngành Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019.
Bộ Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019… Các hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức... đã phát huy hiệu quả tối đa, giúp mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế cho đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với 30 đối tác chiến lược và toàn diện.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá bối cảnh quốc tế và khu vực hiện đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường với những biến động mạnh mẽ, chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuỗi sản xuất, cung ứng… Trong khi đó, đất nước cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. Điều này đặt ra cả những thách thức, cơ hội mới, đòi hỏi công tác ngoại giao kinh tế tới đây sẽ phải đổi mới mạnh mẽ về cách làm để đáp ứng được tình hình mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả.