(VOV5) - Thời gian tới, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đây là thông tin được đưa ra tại chức hội thảo :“Hai năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 7/4, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: qdnd.vn |
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, ngoài thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường CPTPP, Hiệp định đem lại nhiều lợi ích để hoàn thiện thể chế và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp: “Cái lợi ích to lớn của CPTPP mang lại lợi ích lớn nhất không chỉ duy nhất là việc tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu có thể là hiện hữu, cái mà sẽ nhìn thấy đầu tiên. Tuy nhiên, cái lợi ích lớn nhất ở đây đó là cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế, đồng thời là sức ép về cạnh tranh sẽ là động lực để giúp cho doanh nghiệp phải thay đổi phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị. Từ đó chúng ta mới có được những tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững hơn và tận dụng được hiệu quả của Hiệp định hơn”.
Các ý kiến cũng cho rằng, để tiếp tục tận dụng tốt hơn Hiệp định này thời gian tới, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp...