(VOV5) - Mặc dù trong bối cảnh khó khăn song vẫn có những tín hiệu tích cực tại một số doanh nghiệp, ngành hàng trong nền kinh tế.
Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến nhiều sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đến hết năm nay.
Chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 131 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, thủy sản…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết: "Năm 2020 do ảnh hưởng của Covid 19, ngành hàng chúng tôi có sự sụt giảm. Nhưng trong năm 2021 này với thành quả của công tác phòng chống dịch của Chính phủ các khu vực trọng điểm của nghề cá, thủy sản đến hiện tại ít bị ảnh hưởng bởi dịch. Điều đó khiến cho việc xuất khẩu thủy sản trong năm nay đang có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt, cụ thế tháng 4 là 22%, tháng 5 tăng lên 24%".
Mặc dù dịch Covid 19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, song theo Hiệp hội Da, Giày và Túi xách Việt Nam, các đơn hàng da giày, túi xách đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều. Đây cũng là thời điểm, cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kết nối lại các chuỗi cung ứng. Dù tình hình sản xuất, kinh doanh của tất cả doanh nghiệp trong ngành chưa phục hồi như trạng thái bình thường trước kia, nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp giữ đã phát triển và vượt qua khó khăn, tận dụng tốt thị trường.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2021 - Ảnh minh họa: VOV |
Cùng với nhu cầu thị trường khởi sắc, giá các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng hơn. Giá cả tăng, đơn hàng dồi dào đã giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10, cho biết năm 2020, nhiều chuyên gia dự đoán tình hình đơn hàng năm 2021 có thể không tốt nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 3. Điều này có được một phần là nhờ doanh nghiệp có chiến lược nhập đơn hàng từ quý 4/2020 cho năm 2021 với mức giá hợp lý, thậm chí chấp nhận các đơn hàng không phải mặt hàng truyền thống. Đặc biệt, các thị trường cạnh tranh hiện chịu bất ổn về chính trị hoặc chưa có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nên khách hàng đã chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam trong ngắn hạn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến, nhờ khả năng kiểm soát dịch tốt, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, nên các đối tác quốc tế đã ưu tiên chọn Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết năm nay. Năm 2021, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD như đã đề ra. Hiện qua 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dự báo đã đạt được khoảng 16 tỷ USD. Tuy kết quả này chưa đạt được như mong muốn ban đầu nhưng cũng là sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp toàn ngành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đầy phức tạp. Điểm đáng mừng là hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 3/2021, thậm chí hết năm, lượng đơn hàng về tương đối dày, quá năng lực sản xuất của không ít doanh nghiệp Việt Nam.
Sự khởi sắc trong kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng hơn vào sự phục hồi kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tiêm vaccine sẽ là một giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, sớm đưa doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường, hạn đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh, các doanh nghiệp cùng với Chính phủ và toàn xã hội tiếp tục phải coi việc phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và trọng tâm để có thể tăng trưởng và phát triển được sản xuất. Tiếp tục hoạt động tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp kích cầu khác nhau và góp phần làm cho tiêu dùng trong nước tăng trưởng và phát triển từ đó đầu ra cho sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn và người sản xuất sẽ yên tâm sản xuất. Với việc chúng ta đang mở rộng các hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc thực hiện một loạt các hiệp định mới đây sẽ là các cơ hội để cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, cho nên việc tiếp cận với thị trường mới để có thể xuất khẩu sang các thị trường này là cơ hội để cho các doanh nghiệp Việt Nam đạt hiệu quả cao trong xuất khẩu.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn song vẫn có những tín hiệu tích cực tại một số doanh nghiệp, ngành hàng trong nền kinh tế. Điều này đã và đang góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.