Nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa

(VOV5) - Với ưu thế tần suất sử dụng cao, nhu cầu lớn, nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt nam đã có sự phát triển ấn tượng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nhiều sản phẩm như sữa, đồ uống có cồn, nước giải khát, giấy vở học sinh… đã và đang chiếm lĩnh thị trường nội địa với thị phần cao. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng nhanh đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong năm 2016.

 Nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa - ảnh 1

 Nghe âm thanh tại đây:


Dự báo, năm 2016, tổng doanh thu của nhóm hàng tiêu dùng nhanh sẽ lên tới khoảng 140 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh đang gặp không ít khó khăn như: năng lực tài chính còn yếu, nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra tới đây khi một loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, một lượng hàng hóa lớn của nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ là rào cản và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng. Bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestle Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, cũng như các cửa hàng bán lẻ phải tăng cường năng lực cạnh tranh. Các cửa hàng nhỏ lẻ quen với vấn đề kinh doanh theo lối truyền thống thì bây giờ trong thời kỳ hiện đại hóa, cần phải đào tạo để có thể đáp ứng được sự hiện đại hóa cũng như xu hướng thay đổi của người tiêu dùng”.

Hiện nay, mới có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến được vùng nông thôn. Trong khi đó, tại thị trường khu vực nông thôn hiện nay, hàng nước ngoài đang chiếm tỷ lệ đáng kể. Nếu không có giải pháp để giành lại thị phần khu vực nông thôn, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến: “Phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt cho nên trong các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thì đây là ngành hàng có năng lực cạnh tranh và có tiến bộ khá nhất. Chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh, muốn như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết, hợp tác với nhau để làm thành một chuỗi giá trị, để tiêu thụ hàng hóa của mình tốt hơn. Bằng cách đó mới trụ vững trên thị trường nội địa trước sự tấn công của các mặt hàng thuộc các nước ASEAN”.


Hiện có đến 80% người tiêu dùng trong nước tin tưởng chất lượng và ưu tiên chọn mua hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam. Nhiều mặt hàng như: sữa chua, chiếm 95%, cà phê trên 90%, nước mắm trên 95%, mì ăn liền chiếm 90% và bia chiếm 90% thị trường nội địa. Để nhóm hàng tiêu dùng nhanh trụ vững trên thị trường nội địa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa, cho rằng các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Đối với cơ quan quản lý Nhà nước thì cần tạo ra những thị trường minh bạch hơn... Đối với người tiêu dùng cần bảo vệ mình bằng cách có ý kiến phản hồi lưu ý chú ý về xuất xứ hàng hóa, nhãn mác ghi trên bao bì... Đối với các doanh nghiệp thì cần nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân mình, đáp ứng những yêu cầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng tự bảo vệ mình bằng cách, với những sản phẩm không minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh”.  

 

Với ưu thế gắn bó với thị trường, nhu cầu sử dụng ngày càng cao, nhóm hàng tiêu dùng nhanh những năm gần đây đã có sự phát triển ấn tượng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Dân số ở nông thôn Việt Nam hiện chiếm 68% trong tổng số 90 triệu dân , nên thị trường nông thôn còn rất nhiều cơ hội đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh. Việc mở rộng thị phần ở nông thôn là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, do vậy nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tập trung đầu tư vào các khu vực này. Các doanh nghiệp cũng chú trọng đến nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới bởi thị trường hàng tiêu dùng liên tục thay đổi. Việc cải tiến và tạo ra những sản phẩm mới không chỉ kích thích nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn giúp thị trường nhóm ngành hàng tiêu dùng liên tục tăng trưởng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác