Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu biến cây rừng thành sản phẩm OCOP

(VOV5) - Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có khoảng 100ha khoai mài, tập trung ở các huyện: Đất Đỏ và Châu Đức. 

Lâu nay, cây khoai mài (còn gọi là cây hoài sơn) là loại cây lấy củ, không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn có giá trị dược liệu cao nên được nhiều người tìm mua. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, từ năm 2017, một số hộ dân vùng đất Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rủ nhau đi đào khoai mài đem về địa phương trồng thử nghiệm và đã thành công, mang lại thu nhập cao. Hiện nay, củ khoai mài đang được Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng các tiêu chí để công nhận sản phẩm OCOP.

Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu biến cây rừng thành sản phẩm OCOP - ảnh 1Ông Cao Văn Xin tham gia xây dựng thương hiệu khoai mài của Phước Hội. Ảnh: Lưu Sơn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
 

Ông Cao Văn Xin, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ cây mài mọc nhiều trong môi trường tự nhiên, phù hợp trồng trên đất cát. Lo ngại nhiều diện tích đất bị khai hoang, cây khoai mài sẽ không còn, năm 2017, ông Xin rủ người dân trong vùng vào rừng Xuyên Mộc đào khoai mài về trồng để lưu trữ nguồn giống, góp phần cải thiện thu nhập và thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương.  

Được sự hỗ trợ của chính quyền, ông Xin trang bị 20 trụ bê tông, giàn dây leo để trồng thử nghiệm trên diện tích 200m2. Nhờ hiểu rõ đặc tính của khoai mài, vụ đầu tiên ông đã thành công, năng suất đạt hơn 200kg. Từ những am hiểu của mình, ông Xin chia sẻ kinh nghiệm cho những người trong vùng và tăng thêm diện tích trồng khoai mài của gia đình. 

Đến nay, 1.000m2 đất canh tác khoai mài mang về cho ông Xin thu nhập từ 80-100 triệu đồng/vụ (khoảng 6-8 tháng) sau khi trừ chi phí.  Theo ông Xin, khoai mài ở Phước Hội có hàm lượng tinh bột cao, hương thơm đặc biệt, khi chế biến thì độ nhựa đặc hơn nên rất được nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Côn Đảo và các nhà hàng trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu tìm mua: "Khi ở rừng, khoai mài sống bằng hữu cơ. Mang về thuần hoá phải tưới nước quanh năm nên đòi hỏi dưỡng chất phải thay đổi, nhưng phải giữ lại 90% chất nguyên thuỷ của khoai mài. So với cây vườn tạp, khoai mài cho thu nhập rất cao, 1.000m2 có thể cho lợi nhuận 100 triệu đồng, không có cây gì mang lại hiệu quả cao bằng cây khoai mài của Phước Hội".

Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu biến cây rừng thành sản phẩm OCOP - ảnh 2Cây khoai mài đang có đầu ra ổn định, giúp nông cải thiện thu nhập. Ảnh: Lưu Sơn

Nhận thấy mô hình trồng khoai mài mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, ông Phạm Văn Hinh, ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã mạnh dạn chuyển 3 sào đất đang canh tác bắp sang trồng thử nghiệm giống cây mới này.  

Sau 3 tháng xuống giống và theo dõi ông Hinh thấy cây khoai mài phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Sản phẩm sau thu hoạch được hợp tác xã ở địa phương bao tiêu nên ông Hinh rất yên tâm: "Chúng tôi đang trồng thử nghiệm mô hình mới như: cây Hoài sơn. Được tiếp cận sự chuyển giao khoa học – kỹ thuật của Hội nông dân huyện Châu Đức, hiện cây phát triển tốt. Trước đây, vùng đất Suối Rao kinh tế rất khó khăn. Qua chuyển đổi cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân đã có nhiều chuyển biến". 

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trồng khoai mài vốn đầu tư thấp, cây ít bị bệnh dịch tấn công nên thu nhập cũng ổn định. Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, địa bàn tỉnh đã có khoảng 100ha khoai mài, tập trung ở các huyện: Đất Đỏ và Châu Đức. 

UBND huyện Đất Đỏ cho biết đang hướng dẫn nông dân thành lập tổ liên kết trồng khoai mài. Đến cuối năm 2023, cùng với các sản phẩm hạt sen, trả củ sen, cá đục nướng, nước nắm…, khoai mài sẽ được chứng nhận là sản phẩm OCOP của huyện Đất Đỏ. Ông Châu Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang xây dựng thương hiệu khoai mài Phước Hội: "Vừa qua, Hội Nông dân cùng ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND xã Phước Hội kiến nghị UBND huyện, Phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ bà con trụ và dây leo cho người dân phát triển canh tác. Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Sở Khoa học – công nghệ đã khảo sát quá trình trồng khoai mài, tiến hành thành lập tổ liên kết để xây dựng thương hiệu khoai mài Phước Hội". 

Theo ông Thân Xuân Động, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang tìm kiếm để ký hợp đồng thu mua khoai mài với giá cả hợp lý, có lợi cho người nông dân. Hội Nông dân huyện Châu Đức cũng đang xây dựng đề án phát triển cây dược liệu từ khoai mài: "Giá bao tiêu sản phẩm hiện nay, đặc biệt là Công ty Bàu Mây (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), Công ty Thiên Việt (Hà Nội) đang thực hiện ký hợp đồng với nông dân từ 17 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg. Như vậy, khoảng 3kg/gốc thì hiệu quả kinh tế mang lại cho người trồng hơn 1 tỷ đồng/ha". 

Khoai mài có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, như: chè củ mài, canh củ mài hầm xương, cháo củ mài… Trong đông y, củ mài còn được xem là một vị thuốc quý, có tác dụng chống lão hoá, trị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể nên được người dân ưa chuộng. Mô hình trồng cây mài có thể nhân rộng ra nhiều địa phương ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thay thế những cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác