Phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, tạo việc làm cho hơn 15 triệu lao động, đóng góp gần 2/3 thu nhập của nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm xây dựng khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.


Phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam - ảnh 1
Kinh tế tư nhân là động lực để phát triển đất nước. (Ảnh minh họa: Internet).


Nghe âm thanh tại đây:


Kinh tế tư nhân đang góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế khi đóng góp gần 40% GDP và là bộ phận quan trọng trong cơ cấu đầu tư. Kinh tế tư nhân là bộ phận lớn nhất trong tổng đầu tư và đóng góp thuế, nộp ngân sách tăng theo từng năm. Trong năm 2015, khối kinh tế tư nhân đóng góp GDP tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Đây là lực lượng chủ yếu tạo ra việc làm cho người lao động và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội... Chính vì vậy, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản, cho rằng: "Hiện nay các quan điểm của Đảng tại Đại hội 12 đã xác định rõ những khâu, hướng để có thể phát huy được tốt hơn kinh tế tư nhân. Chẳng hạn như đảm bảo quyền bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế. Nhờ vậy kinh tế tư nhân có điều kiện tiếp cận các nguồn lực, kể cả nguồn lực về đất đai, nguồn lực tín dụng, kể cả tiếp cận nguồn lực của khu vực công. Các chính sách về hợp tác công - tư cũng đảm bảo cho tư nhân có thể cùng với khu vực nhà nước hợp tác với nhau, khai thác những dư địa hiện nay còn rất lớn để đảm bảo kinh tế tư nhân phát triển".

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu tính liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động. Thêm vào đó, quyền tự do kinh doanh chưa được phát huy, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng và tính cạnh tranh còn yếu. Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Cần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa: "Để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển thì cần hoàn thiện cơ chế thị trường, đây là điểm căn bản nhất trong giai đoạn tới và đây là bản chất của tăng trưởng. Tăng tính minh bạch, đổi mới căn bản vai trò quản lý của nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô và rà soát xóa bỏ những vấn đề liên quan đến nâng cao hiệu quả đầu tư. Tiếp tục cải cách doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ, vừa phải và doanh nghiệp lớn, tăng cường nhất thể hóa về luật pháp".

Để phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước, Chính phủ Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cả phía các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp xác định rõ lợi thế cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của mình, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng:  "VCCI đang tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ. Với việc ban hành Nghị quyết Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ, bên cạnh đó VCCI lập chương trình hành động tổ chức triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và đồng thời tham gia vào việc xây dựng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để từ đó tạo thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ thuộc khu vực tư nhân hơn nữa". 

Chính phủ Việt Nam luôn coi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp trong nước là một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất. Hiến pháp 2013 của Việt Nam coi doanh nghiệp FDI là thành phần kinh tế phát triển Việt Nam. Chính vì vậy, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia: "Về phía doanh nghiệp FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam".

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác