(VOV5) - Doanh nghiệp Việt đang nỗ lực xây dựng những giá trị cốt lõi để phát triển doanh nghiệp bền vững, đề cao xây dựng đạo đức trong sản xuất kinh doanh...
Hiện nay, phát triển xanh là xu thế không thể đảo ngược và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn con đường phát triển có trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng lợi ích từ thực hiện quá trình này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia tăng năng suất, cũng như tìm kiếm đối tác mới và những nhà đầu tư mới, đặc biệt trong việc mở rộng xuất khẩu sản phẩm trong khu vực và toàn cầu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Có mặt trên thương trường gần nửa thế kỷ qua, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là thương hiệu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Cùng với việc luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, việc phát triển xanh luôn được ban lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng. Cụ thể, Công ty đã xây dựng hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3.000 tỉ đồng (khoảng 125 triệu USD) và được xây dựng đạt chuẩn Global GAP (Tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Các trang trại này thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất để quản lý tài nguyên.
Mô hình trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm - Ảnh: Vietnam+ |
Cùng với đó, Công ty duy trì diện tích mảng xanh đạt tỉ lệ bao phủ trên 70% tại các trang trại, nhằm trung hòa khí nhà kính, hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu và phát triển, Công ty Vinamilk cho biết: "Hệ thống trang trại Green Farm của Vinamilk là một điển hình cho việc phát triển bền vững. Thực hành nông nghiệp tái tạo, tại các trang trại của Vinamilk, chúng tôi ứng dụng năng lượng mặt trời, hệ thống công nghệ để giảm thiểu phát thải khí mê tan, dùng công nghệ atomic- carbon hữu cơ để giảm khí metan và giảm mùi hôi cho trang trại. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhiều hoạt động phát triển bền vững cho cộng đồng".
Tương tự Vinamilk, nhiều doanh nghiệp Việt chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” và gặt hái được thành công. Ví dụ như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư phòng lab để nghiên cứu nguyên liệu xanh và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang xanh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, TCM cũng thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển dòng sản phẩm chính thân thiện với môi trường.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chủ động “xanh hóa” nguồn nguyên liệu, như: tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Đồng thời, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh. Nhiều doanh nghiệp cũng chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững.
Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn bền vững chỉ ở các phân khúc cao cấp, nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Phát triển xanh, bền vững đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp quan tâm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú quốc tế, chuyên ngành dệt may xuất khẩu, cho biết việc chủ động thay đổi quy trình sản xuất, quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng…, không chỉ giúp doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà còn giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp, do sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Theo bà Liên: "Nếu như doanh nghiệp không chủ động "chuyển mình" để phù hợp với nhu cầu của thời đại thì sẽ không có đơn hàng đâu. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn tự hào đã nỗ lực duy trì và tuyển thêm lao động chứ không có cắt giảm".
Dù đã có nhiều nỗ lực song hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hóa. Điều này do nhận thức chưa đầy đủ về phát triển xanh, kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững... Vì thế, Nhà nước cũng đã có các khuôn khổ pháp lý tạo ra một môi trường kinh doanh xanh, thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI - Ảnh: NVCC |
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh nêu rõ: "Trong chương trình nghị sự Diễn đàn doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững suốt 10 năm qua, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với các bộ, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra những diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan hữu quan. Đồng thời, đưa ra những mô hình kinh doanh bền vững, trách nhiệm để các doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ thành công cũng như những bài học thất bại của doanh nghiệp đã đi trước. Từ đó, đưa ra mô hình kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp mình trong quá trình hoạt động".
Phát triển xanh sẽ trở thành yếu tố quan trọng để phát triển bền vững đối với cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh, cũng như đảm bảo được những yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực xây dựng những giá trị cốt lõi để phát triển doanh nghiệp bền vững, đề cao xây dựng đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.