(VOV5) - Vùng sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) sẽ có mức tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5%/năm, tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo.
Những nội dung đáng chú ý trong Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt. Vùng sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao với giá trị gia tăng khoảng 20-25% vào năm 2030. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái dựa theo nguồn nước ngọt, lợ, mặn.
Ảnh minh họa/ Nguồn báo chính phủ |
Về du lịch, ĐBSCL sẽ trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.