(VOV5)- Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, liên tục hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2011-2015. Những nỗ lực đó đã tạo dấu ấn nổi bật của Quảng Ninh trong việc thu hút đầu tư để phát triển.
Nghe âm thanh tại đây:
Một trong những điểm nhấn của Quảng Ninh là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn 2012-2014, kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt tới 1,6 tỷ USD. Hiện Quảng Ninh có 104 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 5,1 tỷ USD, trong đó số vốn đầu tư đã thực hiện đạt trên 3,6 tỷ USD. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn là các nhà máy của tập đoàn Texhong (Trung Quốc), Nhiệt điện Mông Dương 2, Xi măng Thăng Long...
|
Ảnh: quangninh.gov.vn |
Đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước, cũng trong giai đoạn 2012-2014, Quảng Ninh kêu gọi được 198 dự án với tổng số vốn đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,8 tỷ USD). Trong số này, có nhiều dự án mang tính động lực, cải thiện chất lượng hạ tầng dịch vụ, thương mại của tỉnh như dự án Công viên Đại Dương, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long, Khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Đảo Rều... Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Đại siêu thị và trung tâm thương mại Big C Hạ Long, cho biết: “Chính sách thu hút vốn đầu tư thương mại của Quảng Ninh rất hiệu quả, tập trung vào xây dựng hạ tầng thương mại. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh rất hiệu quả. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút vốn đầu tư của các công ty nước ngoài liên quan đến lĩnh vực thương mại.”
Có được thành công trong việc thu hút đầu tư để phát triển là do từ những năm 2011, Quảng Ninh đã tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng, triển khai hàng loạt biện pháp thu hút đầu tư như: xây dựng và công bố các quy hoạch chiến lược; chuyên nghiệp hóa phương pháp xúc tiến đầu tư đi đôi với cải cách thủ tục hành chính. Các dự án được Quảng Ninh lựa chọn đều theo hướng quy mô và hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hỗ trợ doanh nghiệp theo định kỳ để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngoài việc tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, các cơ quan đầu mối của tỉnh cũng tích cực thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc. Để thu hút các nhà đầu tư lớn, Quảng Ninh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt như khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp Đông Mai, khu công nghiệp Việt Hưng, các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, quốc lộ 18 kết nối Trới – Vũ Oai. Quảng Ninh cũng vận dụng hình thức đối tác công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, hạng mục lớn của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định: “Quan điểm của tỉnh hiện nay đã và đang chỉ đạo là cái gì mà doanh nghiệp, người dân đầu tư được thì Nhà nước không đầu tư. Tổ chức nào, doanh nghiệp nào mà quản lý tốt thì tỉnh cũng bàn giao kể cả tài sản của tỉnh cho tổ chức, cá nhân đó quản lý tốt hơn. Do vậy, sự đóng góp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp là hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.”
Chìa khóa để thu hút mạnh mẽ đầu tư ở Quảng Ninh là cải cách thể chế và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư, mà việc thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) được coi là một bước tiến đáng kể. IPA Quảng Ninh hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch theo cơ chế một cửa; quan tâm, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư. Theo ghi nhận, các thủ tục hành chính về dự án đầu tư tại Quảng Ninh đã được rút ngắn gần 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ. Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư như: hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; điều chỉnh giá thuê đất, hỗ trợ về vốn tín dụng.Tỉnh đồng thời quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi các dự án “treo” tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư.
Lấy mục tiêu “đồng hành cùng doanh nghiệp” làm phương châm, tiến hành cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, Quảng Ninh đã và đang là “địa chỉ vàng” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.