(VOV5) - Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần.
Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng phát triển, với sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Dịch vụ hậu cần (logistics) được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần ở khu vực phía Bắc. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần.
Ảnh: baoquangninh.com.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Là một trong những địa phương tiên phong ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics, tỉnh Quảng Ninh xác định, đến năm 2025, sẽ hình thành 6 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics Cái Lân, Trung tâm logistics Vân Đồn, Trung tâm logistics Quảng Yên, Trung tâm logistics khu hợp tác kinh tế Móng Cái - Đông Hưng, Trung tâm logistics Hải Hà và Trung tâm logistics Bình Liêu.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Muốn thúc đẩy dịch vụ logistics thì buộc phải thúc đẩy liên kết vùng, buộc phải thúc đẩy liên kết trong chuỗi sản xuất để tăng giá trị và tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng khác biệt của địa phương để gia tăng giá trị trong chuỗi liên kết. Tỉnh Quảng Ninh đang làm rất cụ thể, bắt đầu bằng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thông thoáng cải cách thủ tục hành chính, nhất là đối với các cảng biển quốc tế và cửa khẩu quốc tế, để tạo điều kiện cho giao thương".
Xác định hạ tầng là một trong những yếu tố then chốt phát triển dịch vụ hậu cần, tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư cải thiện mạnh mẽ từ giao thông cho tới kho, bãi, cảng. Sau 4 năm thi công, tháng 9/2018, tuyến cao tốc đầu tiên của Quảng Ninh là Hạ Long - Hải Phòng chính thức đưa vào khai thác, góp phần hoàn thiện tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Tiếp đó, hai dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đi vào hoạt động, tạo thành chuỗi dự án giao thông trọng điểm. Ngoài ra, nhiều dự án giao thông cũng đã và đang phát huy hiệu quả như: Cầu Bắc Luân II, đường nối từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển, bến cảng, cảng thuỷ nội địa với 5 khu bến và bến cảng là cảng Cái Lân, cảng Cẩm Phả, cảng Mũi Chùa, cảng Vạn Gia và cảng cạn ICD Thành Đạt cũng được đầu tư. Đặc biệt, cây cầu phao đầu tiên nối thành phố Móng Cái (Việt Nam) với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) được thông quan hàng hóa vào đầu tháng 3/2018, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng với các cặp cửa khẩu khác. Đi liền với đó là các dịch vụ vận tải, cho thuê kho bãi, xếp dỡ, đóng gói được cung cấp kịp thời, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh (tháng 7/2019), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá: "Tiềm năng logistics của Quảng Ninh là rất lớn, có giá trị gia tăng cao, từ đó có thể tạo ra vị thế mới của Quảng Ninh".
Ngoài cơ sở hạ tầng, một trong những giải pháp trọng tâm phát triển dịch vụ hậu cần mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện là đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, cho biết: "Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 3, mức độ 4, thông qua hệ thống một cửa quốc gia và các thủ tục tàu biển. Tất cả các tàu biển đến và rời khu vực cảng biển Quảng Ninh đều làm trên điện tử và thông qua hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Qua đó, giảm thời gian làm thủ tục và hạn chế việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cảng vụ".
Với sự đầu tư có hệ thống, tỉnh Quảng Ninh xác định đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ hậu cần sẽ đạt từ 16 - 18% vào ngành dịch vụ của tỉnh; đến năm 2025, con số này sẽ đạt từ 18 - 20%, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.