Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống hàng trăm ngàn nông dân Việt Nam
(VOV5) – Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 05/09 ra thông báo sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 phải chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, mức thuế xuất với sản phẩm của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty Hùng Vương đều tăng gần gấp đôi so với đợt rà soát lần thứ 8, lên tới 0,42 USD/kg với sản phẩm của Công ty Vĩnh Hoàn và 2,15 USD/kg đối với Công ty Hùng Vương. Mức thuế đối với các đơn vị tự nguyện khác cũng tham gia đợt rà soát này tuy ở mức thấp hơn, nhưng cũng lên tới 0,99 USD/kg, còn các công ty khác là 2,11 USD/kg. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã lựa chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá, dù cho Indonesia không có trong danh sách các nước được chính bộ này công bố hồi tháng 11/2011. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ngay lập tức phản đối quyết định bất ngờ và nhiều mâu thuẫn này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: “VASEP hết sức bất ngờ và hết sức bất bình với cách thay đổi một cách đột ngột và cách chọn lựa quốc gia thay thế. Ở đây có thể Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang chịu một áp lực chính trị khá lớn và các chủ trại nuôi cá nheo. Chúng tôi nghĩ rằng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần có một cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn trong quá trình xem xét vụ kiện.”
Quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thuế suất đối với các sản phẩm các tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế trung bình lên tới 2,11 đôla Mỹ/kg ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng trăm ngàn nông dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Hoa Kỳ, ông Matthew McConkey, luật sư tư vấn của Việt Nam cho biết: “Tôi thực sự "ngạc nhiên" khi Bộ Thương mại Mỹ chọn Indonesia làm nước tham chiếu để tính thuế nhập khẩu đối với cá tra và basa của Việt Nam. Theo thông lệ, trước mỗi đợt rà soát, Bộ Thương mại Mỹ đều công bố danh sách các nước có thể được chọn để tham chiếu. Trong lần rà soát thứ 9, Indonesia không nằm trong danh sách trên do Bộ Thương mại Mỹ chọn nước tham chiếu dựa trên Tổng thu nhập quốc gia, trong khi tổng thu nhập quốc gia giữa Việt Nam và Indonesia lại hoàn toàn khác nhau”.
Theo luật sư Matthew McConkey, việc Indonesia không nằm trong danh sách nước tham chiếu là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Bộ Thương mại Mỹ trong thời gian tới. Bởi theo thông báo, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3/2014. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để có thể thay đổi quyết định phi lý của cơ quan này: “Chính phủ Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các nhà sản xuất cá tra, basa sẽ phối hợp cùng các luật sư tiến hành nghiên cứu bổ sung tại các nước liên quan, tiếp theo là quá trình tranh tụng, điều trần…để Bộ Thương mại Mỹ có thể thay đổi quyết định về nước tham chiếu. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Bangladesh để họ có thể cung cấp cho Bộ Thương mại Mỹ những thông tin xác thực về giá cá tươi nội địa. Ngoài ra, chúng ta sẽ phối hợp với chính phủ và các nhà chế biến cá Indonesia để tìm kiếm những thông tin chứng minh với Bộ Thương mại Mỹ rằng Indonesia không phải là nước có thể sử dụng để tham chiếu”.
Ông Matthew McConkey cũng nhấn mạnh về phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phối hợp tìm kiếm các nhà cung cấp và khách hàng tại Indonesia để họ có thể hỗ trợ trong vấn đề này./.