(VOV5) - Thắng lợi lịch sử ngày 7/5 cách đây tròn 60 năm đã mở ra một trang mới cho quê hương Điện biên của đồng bào Thái, Mông, Dao… nơi này.
Điện biên, mảnh đất phía tây bắc Việt Nam, những ngày này trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và nước ngoài. Không chỉ bởi nơi đây đã diễn ra trận đánh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, mà còn vì sau bao gian nan của cuộc chiến, cuộc sống mới ấm no đang hiện hữu trên mảnh đất này. Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Thắng lợi lịch sử ngày 7/5 cách đây tròn 60 năm đã mở ra một trang mới cho quê hương Điện biên của đồng bào Thái, Mông, Dao… nơi này. Ai đến với Điện biên hôm nay cũng sẽ được chứng kiến sức sống mới đang bừng sáng nơi những đô thị khang trang và những công trình lớn, nhỏ nối tiếp mọc lên cạnh xác xe tăng và hàng rào dây thép gai của địch.Trên khắp các nẻo đường, góc phố Điện Biên Phủ những ngày này rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Lê Văn Lân, 83 tuổi, ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là một trong số hàng nghìn lượt du khách hân hoan trong hành trình về nguồn thăm lại mảnh đất chiến trường xưa và chứng kiến sự phát triển của thành phố Điện Biên Phủ. Ông Lân bày tỏ: Lần này là lần thứ hai lên Điện Biên nhưng tôi vẫn thấy xúc động lắm, xúc động, tự hào và trân trọng những hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã đổ máu xương để giải phóng quê hương. So với lần trước tôi lên thấy các di tích lịch sử được bảo vệ và trang trí chu đáo hơn lần trước. Còn thành phố thì rõ ràng thay đổi rất nhiều, từ nhà cửa, đường phố đều đã đổi thay so với trước.
|
Một góc thành phố Điện Biên Phủ - Ảnh: TL |
Với ông Phạm Bá Miều, ở phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, người có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 về trước, rất tự hào khi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh Điện Biên. Ông Miều cho biết: Sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã cùng nhiều đồng đội ở lại thu dọn chiến trường, giúp nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống mới. Ông đã không thể quên những ngày tháng mà chính quyền và người dân Điện Biên đều nỗ lực, đồng lòng chung sức xây dựng lại bản làng:Lúc bấy giờ còn khó khăn, gian khổ lắm, đường xá chưa có, chúng tôi đi vào thôn, bản giúp dân sản xuất vẫn còn phải đem cơm nắm, túi thuốc đi. Nhưng bây giờ cuộc sống so với trước đây đã khác xa một trời một vực rồi, khác đi nhiều kể cả đời sống, kinh tế, ai cũng sung túc hơn. Đến cả những nơi xa xôi nhất như Mường Tè đã có đường ô tô đến tận thôn bản rồi.
60 năm đã qua đi, Điện Biên đang từng ngày, từng ngày vững bước trên con đường xóa đói, giảm nghèo do có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực đầu tư của nhà nước, như: Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của Chính phủ. Bà Lò Thị Sế, ở xã Mường Phăng, huyện Điện biên, phấn khởi cho biết: Bản mường bây giờ sung sướng lắm rồi, điện thắp sáng lung linh, nước sạch chảy về tận chân cầu thang, cơm có thịt, cá đủ ăn không phải lo đói nữa. Chứ ngày xưa khổ lắm, cơm không có ăn, áo không có mặc.
|
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ẳng, sau 3 năm triển khai Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của Chính phủ, trên địa bàn huyện có thêm hơn 1.100 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; trên 10.500 hộ được hỗ trợ sản xuất và bê ghé phục vụ chuyển đổi sản xuất; gần 30 công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng mới....Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: Vốn hỗ trợ sản xuất đã giúp người dân từng bước thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đối với huyện Mường Ẳng thì tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 là 68% thì đến nay giảm xuống còn hơn 47%, đó là nhờ sự đầu tư từ nguồn vốn chương trình 30a, đã giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo. Mường Ẳng đang phấn đấu đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm xuống còn dưới 40%.
Cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vượt khó của chính người dân, đến thời điểm này số hộ nghèo của tỉnh Điện Biên chỉ còn 35%. Tốc độ tăng trưởng tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2013 đạt hơn 9,6%.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Các mặt văn hóa, xã hội cũng đang trên đà phát triển. Hệ thống giao thông cơ bản được nâng cấp cải tạo, giao thông thuận tiện hơn, toàn tỉnh chỉ còn 5 xã chưa có đường ô tô đến được trung tâm. Lưới điện quốc gia đến được 10/10 huyện, thị xã và thành phố, tỷ lệ hộ được dùng điện đạt gần 76%. Từ nay đến năm 2015, Điện Biên xác định tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.100 USD/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 15%. Để đạt được những mục tiêu đó tỉnh Điện Biên đã tìm nhiều hướng để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ông Phạm Xuân Côi, Phó hủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện biên, nêu rõ: Công tác xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. Một mặt tỉnh tiếp tục rà soát lại tỷ lệ đói nghèo, xác định nguyên nhân đói nghèo. Bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân hiểu được trách nhiệm của mình phải tự vươn lên thoát nghèo, thực hiện thắng lợi các chương trình dự án. Và chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở. Có như vậy mới thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu Điện Biên đạt được hôm nay sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để mảnh đất anh hùng lịch sử này đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền cực Tây của Tổ quốc./.