Tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản trong sản xuất nông nghiệp

(VOV5) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các ngành sản xuất nông nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động tái cơ cấu riêng cho từng ngành. Kế hoạch hành động tái cơ cấu  tập trung vào 3 lĩnh vực ngành chủ chốt trong phát triển nông nghiệp đó là: Trồng trọt, Chăn nuôi và Thuỷ sản.


Tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản trong sản xuất nông nghiệp  - ảnh 1

Nghe chi tiết tại đây:


Sau một năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, đến nay nhiều địa phương trong cả nước đã bước đầu triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để hiện thực hoá chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng vừa công bố Chương trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản làm cơ sở để ngành nông nghiệp và các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Đây được coi là định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Tại buổi lễ công bố Chương trình, kế hoạch hành động tái cơ cấu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ: Đề án tái cơ cấu thay đổi cách tiếp cận phát triển ngành nông nghiệp dựa trên tiêu chí số lượng cụ thể sang các chỉ số mục tiêu về “ba trụ cột phát triển bền vững: kinh tế - xã hội - môi trường”. Đề án chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và nhu cầu tiêu dùng, trong đó Chính phủ chuyển vai trò từ nhà cung cấp trực tiếp sang việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, để các thành phần kinh tế hoạt động có hiệu quả trong nâng cao chất lượng đầu tư và dịch vụ trong ngành. Đề án cũng đặt ra vấn đề gắn kết chặt chẽ hơn của các bên trong mối quan hệ “Nhà nước – Doanh nghiệp – Nông dân ” theo chuỗi giá trị.

Trọng tâm của Chương trình, kế hoạch tái cơ cấu trong nông nghiệp vừa công bố sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản theo chiều sâu, có sự tham gia mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Mục tiêu đặt ra là sau 10 năm, sản lượng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng 20%, đồng nghĩa với tỷ lệ đói nghèo sẽ giảm được 20%. Nội dung của Chương trình tái cơ cấu cũng tập trung vào những ngành, sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam đang có lợi thế như: lúa, cà phê, cá tra, nhưng ở một trình độ phát triển cao hơn và tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Theo hướng này,Việt Nam chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư công - tư, phối hợp với các tổ chức quốc tế  để xây dựng các quy trình kỹ thuật. Trong đó, doanh nghiệp cùng Nhà nước hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn, cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn, từ đó tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững. Việc cải thiện môi trường chính sách cũng được coi trọng. Ông Trần Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng: Cần phải xác định rõ hướng của tái cơ cấu , đặc biệt là các chính sách đáp ứng cho tái cơ cấu đối với từng ngành, cũng cần chỉ rõ vấn đề cải cách thể chế, cải cách chính sách  trong quá trình tái cơ cấu.


Theo kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, ngành Trồng trọt sẽ phối hợp với các ngành và địa phương tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng tập trung, xây dựng các vùng cây nguyên liệu chế biến có quy mô lớn, trên cơ sở dồn điển đổi thửa và hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thuỷ lợi, lưới điện…nhằm tạo các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, có thể áp dụng trên diện rộng các giải pháp công nghệ tiên tiến. Kế hoạch tổng thể đó cũng sẽ ưu tiên đầu tư cho các vùng miền tạo ra các sản phẩm nông sản và chế biến chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, điều, chè, mía, cây ăn quả…tại các  vùng chuyên canh ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung,  khu vực miền núi phía Bắc.

 Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngành chăn nuôi cũng sẽ thực hiện việc rà soát lại các khu vực chăn nuôi ở các tỉnh, các cơ sở, trang trại chăn nuôi phải được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ và phải tạo ra các vùng chăn nuôi an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Các mô hình chăn nuôi cũng phải gắn với nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Xuất khẩu thuỷ sản là một trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng và thế mạnh của Việt nam, bởi vậy trong chương trình hành động tái cơ cấu ngành thuỷ sản lần này, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là khâu quy hoạch. Theo chương trình, ngành thuỷ sản sẽ xây dựng hoàn thiện chính sách về quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ, hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu tư và Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt sẽ rà soát kế hoạch nuôi bao gồm việc nuôi và tiêu thụ cá tra, nuôi tôm nước lợ, cá rôphi, nuôi tôn hùm, nhuyễn thể. Cùng với đó, ngành cũng sẽ tiến hành điều chỉnh, rà soát kế hoạch khai thác hải sản bao gồm quy hoạch: số tàu làm nghề, hệ thống cảng cá, chỗ neo đậu, hệ thống sửa chữa, đóng tàu. Trong nuôi trồng thuỷ sản cũng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ  chế biến thuỷ sản theo tiêu chuẩn quốc tế.     
 

Cho đến nay sau 1 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ đã có gần 50% số tỉnh, thành phố ở Việt Nam có kế hoạch thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Việc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố kế hoạch tái cơ cấu ngành: trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản là những bước đi cụ thể hoá Chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tạo tiền đề để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác