(VOV5) - “Tái cơ cấu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tăng trưởng và trình độ phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với nhiều thách thức mới”. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 hướng đến xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội.
Trong giai đoạn 2011-2015, mức lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và đưa xuống mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng trưởng và ổn định đời sống dân sinh. Tiếp theo là tái đầu tư công nhằm đổi mới cơ chế và cách thức huy động, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Bước vào giai đoạn 2016-2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp dân doanh, tạo thị trường việc làm, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Chính phủ đứng trước cơ hội, sự lựa chọn để quyết tâm chuyên đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ.