Tăng cường sự liên kết trong các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam
Sỹ Lam -  
(VOV5) - Các hiệp hội, ngành hàng ngày càng chứng tỏ tác dụng và vị thế của mình, góp phần đắc lực hỗ trợ và định hướng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập kinh tế, Nhà nước Việt Nam từng bước không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, các hiệp hội, ngành hàng ngày càng chứng tỏ tác dụng và vị thế của mình, góp phần đắc lực hỗ trợ và định hướng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
|
Hiệp hội cao su Việt Nam định hướng các thành viên cùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (Ảnh minh họa) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi từ khung pháp lý minh bạch hơn, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn trong hội nhập quốc tế. Nhưng một thách thức lớn mà họ đang đối mặt là mất dần sự bảo hộ của Nhà nước. Nhu cầu cần có đại diện để hỗ trợ, tập hợp tiếng nói của của doanh nghiệp vì thế trở nên rất cần thiết. Các hiệp hội, ngành hàng ra đời đã tập hợp, liên kết doanh nghiệp, doanh nhân cùng kinh doanh theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Hiệp hội chính là để bắt tay cùng hành động, để đưa ra sáng kiến hay, phù hợp với bối cảnh hội nhập, và đồng thời làm cho hội viên thấy rằng họ đầu tư vào việc phát triển hiệp hội là có lợi. Như đối với ngành cao su, hiện nay, cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 45 thị trường, có mặt tại Mỹ, liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, và mở rộng sang Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi. Hiệp hội cao su Việt Nam định hướng các thành viên cùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, để nâng cao chất lượng cao su, cạnh tranh ngang sức trên thị trường thế giới. Bà Trần Thị Thúy Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết: "Nhìn lâu dài thì thị trường cho cao su VN vẫn rộng mở, bởi nhu cầu của thế giới vẫn tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp của chúng tôi đã thống nhất trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là tái canh những vùng cao su đã già cỗi…".
|
Hiệp hội chè Việt Nam VITAS đóng vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện cam kết sản xuất chè không khuyết tật |
Các hiệp hội, ngành hàng sau một thời gian hoạt động đã có những kinh nghiệm thực tiễn phong phú và giúp ích rất nhiều trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Được thành lập từ năm 1988, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp sản xuất chè trong nước, Hiệp hội chè Việt Nam VITAS đóng vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện cam kết sản xuất chè không khuyết tật, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh công nghiệp. VITAS cũng tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng ISO, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Với tầm nhìn xa, Hiệp hội Chè Việt Nam đã đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc gia CheViet trực tiếp và theo Thỏa ước Madrid với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở trong nước, VITAS tiến hành xây dựng hai sàn đấu giá chè, một siêu thị chè ở Hà Nội cũng như làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp sản xuất chè trong nước về nhu cầu tiêu thụ chè của thị trường quốc tế. Ông Trần Văn Giá, phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: "Chè Việt nam đã tăng mạnh về sản lượng và chất lượng, xuất khẩu tăng 10 lần… và chè VN đã từng bước vươn lên để sản xuất chè an toàn. Trong 5 năm qua, cuộc vận động sản xuất chè an toàn để nâng chất lượng sản phẩm, phục vụ sức khoẻ người tiêu dùng là mục tiêu của ngành chè, như đặc sản chè San tuyết, Ô Long…mới nhất, chất lượng cao nhất, giới thiệu đến toàn thế giới…".
Việt Nam hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ, sử dụng hàng trăm nghìn lao động. Nhờ lợi thế về tay nghề cao và chi phí lao động rẻ, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chủ động tổ chức hiệu quả việc tập hợp các doanh nghiệp có đơn hàng lớn để lên kế hoạch trước một năm cho khâu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Với chiến lược cụ thể và hướng đi đúng, ngành đồ gỗ Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường thế giới, vươn lên chiếm vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu đồ gỗ nội thất. Ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng: "Trong tương lai, ngành gỗ Việt Nam sẽ phát triển theo hướng sử dụng gỗ rừng trồng để sản xuất ván nhân tạo, từ đó sản xuất ra đồ mộc. Công nghệ sẽ dùng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động nhất. Thị trường thì tiếp tục giữ vững các thị trường trọng điểm, đồng thời mở rộng những thị trường tiềm năng như các nước SNG, Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ.. Và cuối cùng là đào tạo doanh nhân có đủ trình độ hội nhập và công nhân kỹ thuật trình độ cao".
|
Hiệp hội hội chợ triển lãm thương mại và hội nghị Việt Nam đi vào hoạt động cũng đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp |
Hiệp hội hội chợ triển lãm thương mại và hội nghị Việt Nam đi vào hoạt động cũng đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp ngành hội chợ, triển lãm trong nước. Ông Mai Anh, phó chủ tịch Hiệp hội nói về những công việc trọng tâm của Hiệp hội: "Chúng tôi mời các chuyên gia để đề xuất những chuẩn mực về tổ chức hội nghị, triển lãm…tạo ra chất lượng cao hơn trong hoạt động này.. và xây dựng được bộ giáo trình hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ tổ chức hội nghị, triển lãm, hội chợ ở trong nước và nước ngoài".
Có thể khẳng định, các hiệp hội đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, củng cố thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của các hội viên trong các vụ kiện bán phá giá hoặc chống bán phá giá. Các hiệp hội, ngành hàng cũng góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đảm bảo thực hiện nghiêm túc những cam kết của Việt Nam đối với Tổ chức thương mại thế giới./.
Sỹ Lam