Tăng cường thu hút FDI vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5)- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế xuất siêu của Việt nam với thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Tuy là vùng đất còn nhiều tiềm năng phát triển, song việc thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI) vào khu vực này còn chiếm tỷ trọng thấp so với bình quân của cả nước. Làm gì để cải thiện khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là vấn đề đang được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quan tâm.

Nhấn để nghe nội dung chi tiết:



Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và 1 thành phố hiện là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm ở phía nam Việt nam với dân số trên 17 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001 – 2010 đạt hơn 11%. Mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuất siêu khá lớn. Năm 2012, toàn vùng xuất khẩu ước khoảng 9 tỷ 600 triệu USD, chủ yếu là gạo và thủy sản. Tuy nhiên bên cạnh lợi thế về xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, thì việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này vẫn hạn chế, chỉ chiếm 7% so với cả nước.

Tăng cường thu hút FDI vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1



Tính đến thời điểm hiện tại, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hút hơn 11 tỷ USD vốn FDI. Trong đó có 3 tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI trên 1 tỷ USD là Long  An, Kiên Giang và Tiền Giang. Hiện nay, Long An là địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 3,5 tỷ USD, Kiên Giang và Tiền Giang mỗi tỉnh đều đạt hơn 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên vẫn có hai tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng, tới nay chưa thu hút được dự án FDI mới nào.


Theo đánh giá chung, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhiều cải thiện, nhưng vẫn chưa tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Đây cũng là vấn đề đang được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng khắc phục.


Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết: địa phương này đang tăng cường cải cách hành chính, mở rộng các khu công nghiệp và dành một quỹ đất lớn để thu hút các dự án đầu tư FDI. Sắp tới, việc Bến Tre hoàn thành xây dựng cầu Cổ Chiên sẽ là lợi thế để tỉnh này mời gọi thêm các dự án FDI. Ông Trần Anh Tuấn khẳng định: “ Bên cạnh việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thêm 7 khu công nghiệp , trong đó mở rộng 2 khu công nghiệp cũ với tổng diện tích khoảng 1000 ha để có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư. Chúng tôi cũng cam kết thực hiện tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương chúng tôi vì lợi ích lâu dài của các nhà đầu tư cũng như lợi ích phát triển kinh tế địa phương”


Thực tế thời gian qua cho thấy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đang dần được cải thiện, giá thuế đất rẻ hơn, nguồn lao động dồi dào…là lý do khiến nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngoài yếu tố về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào, thì môi trường đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư cũng cần có những cải tiến mạnh mẽ theo hướng thông thoáng hơn.


Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: cũng cần phải nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường thu hút FDI: “ Tỉnh uỷ ban hành chỉ thị yêu cầu cả Hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, phường phải quan tâm tới chỉ số năng lực cạnh tranh, bởi nhiều khi điểm nghẽn không phải nằm ở chỗ lãnh đạo cấp tỉnh, mà có khi là ở cấp huyện, cấp xã...do đó cần nâng cao nhân thức về pháp luật, năng lực điều hành cho cán bộ các cấp”


Hiện nay, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hai vấn đề quan trọng mà nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm là: vấn đề lao động và môi trường đầu tư. Phân tích những dữ liệu về tình hình kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: mặc dù là vùng đất có nhiều tiềm năng, song thu nhập cũng như đời sống người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề quan trọng là cần phải tái cấu trúc lại sản xuất, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh. Mặt khác Nhà nước cần tập trung cho công tác đào tạo nghề có chất lượng, cải thiện công tác xúc tiến đầu tư để tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực chế biến, xuất khẩu…là những lĩnh vực có thế mạnh của vùng.


Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam, cho rằng: “Chúng tôi đặc biệt lưu tâm tới vấn đề lao động và môi trường đầu tư, hai nữa là cần xây dựng hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long năng động, tích cực. Trước đây hầu như chỉ nói đến nông sản, thuỷ sản, bây giờ phải nói thêm về những so sánh lợi thế mới như lợi thế kinh tế biển, về những cải thiện môi trường đầu tư đã đạt được thời gian qua đối với các nhà đầu tư”.


Những chuyển biến về đầu tư cơ sở hạ tầng cùng những nỗ lực, quyết tâm cao từ các nhà lãnh đạo cho đến các cơ quan chức năng nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang biến khu vực thành này thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm tạo sự thành công mới cho các nhà đầu tư và góp phần biến khu vực đồng bằng sông Cửu Long thành cực phát triển kinh tế quan trọng của cả nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác